Chuyển từ xe xăng sang xe điện - cuộc chuyển đổi của kỷ nguyên mới

Phân vùng phát thải, tiến tới 'loại' xe xăng

05/12/2024 11:43 GMT+7

Kế hoạch 'loại' xe xăng, phủ xe điện đã được nhiều thành phố lớn ở Việt Nam rục rịch xây dựng từ gần 5 năm trước. Không chỉ lựa chọn phương tiện nào cần siết 'đổi màu' trước, các chuyên gia cho rằng mô hình vùng phát thải thấp sẽ là lựa chọn tối ưu.

Phân vùng phát thải, tiến tới 'loại' xe xăng- Ảnh 1.

Ô nhiễm môi trường từ khí thải xe máy là bài toán cấp bách của các thành phố lớn tại Việt Nam

ẢNH: NGỌC THẮNG

Hình thành từng khu vực xanh

UBND TP.Hà Nội đang lấy ý kiến công khai về Dự thảo Nghị quyết “Quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đây là một trong những bước đi đầu tiên của chính quyền Thủ đô Hà Nội nhằm giải bài toán phát thải của phương tiện giao thông - nguyên nhân chính khiến Hà Nội liên tục nằm "top" các thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Theo dự thảo, vùng phát thải thấp (LEZ) là khu vực giới hạn trong thành phố, nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao. Các phương tiện giao thông hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt; phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí. Nếu thông qua, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội hiện thực hóa lộ trình hạn chế xe cơ giới cá nhân vào một số khu vực nhằm giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Lãnh đạo TP.Hà Nội dự kiến giai đoạn 2025 - 2030 sẽ lựa chọn một khu vực ở quận Hoàn Kiếm để thí điểm, sau đó đánh giá hiệu quả và nhân rộng ở các quận, huyện. Giai đoạn tiếp theo từ năm 2031 - 2035, thành phố khuyến khích các quận, huyện xác lập vùng phát thải thấp và từ năm 2036 trở đi bắt buộc các vùng ô nhiễm không khí phải đầu tư nguồn lực, đảm bảo điều kiện để thực hiện.

Trước Hà Nội, TP.HCM cũng đã xây dựng kế hoạch chọn H.Cần Giờ là khu vực đặt dấu chân cho hành trình loại xe xăng, phủ xe điện. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, việc triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông và kiểm soát khí thải phương tiện tại TP.HCM cần được triển khai cho từng nhóm đối tượng, từng khu vực cụ thể trước khi áp dụng trên toàn địa bàn thành phố.

Hiện nay, Cần Giờ có nhiều thuận lợi vì Nghị quyết 12-NQ/TU của Thành ủy TP.HCM xác định đến năm 2030 sẽ "Xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ trở thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường". Bên cạnh đó, Cần Giờ đang xây dựng chương trình hành động vì một Cần Giờ Xanh, trong đó có nhóm nội dung phát triển giao thông xanh như xe buýt điện, xe máy điện theo mô hình chia sẻ, khuyến khích khách du lịch sử dụng các phương tiện giao thông xanh, nhằm kiểm soát khí thải, góp phần đưa Cần Giờ hoàn thành mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng "0" vào năm 2050.

Nhìn ra thế giới, rất nhiều thành phố lớn ở các quốc gia phát triển cũng đã thành công chuyển đổi xanh, bắt đầu từ LEZ. Đơn cử, Paris đã thực hiện các biện pháp LEZ để giảm lượng xe hơi cũ, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng và xe đạp, giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí. Tại London, việc áp dụng mô hình LEZ đã giúp giảm lượng xe có mức phát thải cao lưu thông vào trung tâm thành phố. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc áp dụng LEZ ở London đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh về hô hấp và tim mạch trong cộng đồng, đồng thời cải thiện chất lượng không khí trong thành phố.

Tại Trung Quốc, Bắc Kinh là thành phố tiên phong với lệnh cấm xe máy toàn diện từ năm 1985, và đến năm 2020 khoảng 185 thành phố tại Trung Quốc đã thực hiện lệnh cấm xe máy. Tại Quảng Châu, lệnh cấm được thực hiện theo từng giai đoạn, từ việc hạn chế xe máy không đăng ký lưu thông vào ban ngày cho đến việc cấm hoàn toàn.

Hay như Jakarta, thủ đô (cũ) của Indonesia đã bắt đầu triển khai lệnh cấm xe máy từ năm 2014, theo lộ trình cụ thể. Từ tháng 12.2014 - tháng 1.2015, chính quyền thành phố thí điểm cấm xe máy trên một số tuyến đường chính để người dân làm quen. Sau đó, lệnh cấm được mở rộng dần ra các khu vực trung tâm, đặc biệt là những nơi có hệ thống giao thông công cộng phát triển.

Phân vùng phát thải, tiến tới 'loại' xe xăng- Ảnh 2.

Các thành phố ở Việt Nam đã bắt đầu triển khai công cuộc xanh hóa giao thông

ẢNH: T.N


Liên kết để hình thành những chuỗi cung ứng xanh

Tham dự hội thảo về chuyển đổi cảng biển xanh mới đây, ông Trần Khánh Hoàng, thuộc khối Cảng & Logistics của ITC Corporation đặt vấn đề: Các cảng chuyển đổi xanh là tất yếu, nhưng khâu vận chuyển cũng phải xanh, người mua hàng trên thị trường cũng bắt buộc phải xanh. Câu chuyện của ngành hàng hải cũng là bài toán chung của tất cả các ngành, lĩnh vực của Việt Nam khi bàn tới chuyển đổi xanh. Nếu không "xanh" thành chuỗi, cứ mạnh ai nấy làm thì mục tiêu tiến tới Net Zero vào 2050 theo cam kết của Việt Nam sẽ rất khó thành hiện thực.

Hiểu rõ nguyên tắc này, rất nhiều địa phương, đơn vị đã đang từng bước bắt tay, liên kết, hỗ trợ nhau cùng chuyển đổi xanh. Như tại TP.HCM, hình ảnh 150 chiếc xe buýt điện kết nối tới tuyến metro số 1 vừa "trình làng" đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân thành phố. 150 chiếc xe buýt này do Công ty CP xe khách Phương Trang Futabuslines đầu tư khai thác. Futabuslines còn xây dựng 2 hệ thống trạm sạc ở TP.Thủ Đức để phục vụ các tuyến buýt điện chạy liên tục.

Trước đó, Tập đoàn Vingroup cũng đã tham gia thí điểm 5 tuyến xe buýt điện đầu tiên trên địa bàn thành phố. Hay Công ty TNHH Saigon.PT tổ chức dịch vụ Mex Buggy Saigon - xe điện phục vụ khách tham quan, du lịch; Công ty CP dịch vụ vận tải số Trí Nam triển khai mô hình xe đạp công cộng... Trao đổi với Thanh niên, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM khẳng định: "Quá trình chuyển đổi giao thông xanh cần nguồn lực rất lớn và thành phố rất cần sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội. Vì thế, chủ trương của thành phố là rất khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp được triển khai thực hiện những ý tưởng, những mô hình giao thông xanh trên địa bàn TP.HCM".

Tương tự, với vai trò là đô thị hạt nhân của tỉnh Khánh Hòa, TP.Nha Trang xác định sứ mệnh phải là địa phương tiên phong của tỉnh trong chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. Để thực hiện sứ mệnh này, UBND TP Nha Trang đã phối hợp với Đại học VinUni nghiên cứu và xây dựng Đề án "Chuyển đổi xanh, Tăng trưởng xanh". Theo đó, VinUni sẽ hỗ trợ tối đa cho mục đích xây dựng tiêu chuẩn mới về chất lượng sống, làm việc và du lịch của TP.Nha Trang nói riêng cũng như tỉnh Khánh Hòa nói chung, thông qua việc nỗ lực kết nối nguồn lực cả trong và ngoài nước, tổ chức, hợp tác triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, mô hình thí điểm về chuyển đổi xanh và tăng trưởng xanh.

Mới đây, Tập đoàn Vingroup cũng đã ký kết với UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Bình Định, Bắc Ninh, cùng nhiều doanh nghiệp như Tổng công ty Điện lực dầu khí, Công ty Vietravel, Bệnh viện Bạch Mai, Be Group, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam... nhằm triển khai và thực hiện các chương trình chuyển đổi xanh, xây dựng chuỗi cung ứng xanh thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

Đại sứ Julien Guerrier - đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam - khẳng định cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi xanh của quốc gia. Song, chỉ từng doanh nghiệp đơn độc chuyển đổi thì không làm được. Chuyển đổi xanh là tương lai của cả xã hội, cần sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đồng hành của người tiêu dùng với doanh nghiệp, của doanh nghiệp với doanh nghiệp. Chỉ khi cùng hành động mới có thể thành công.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.