Khi cuộc xung đột Nga - Ukraine mang đậm dấu ấn của một cuộc đấu pháo binh, cả hai phía đang nỗ lực tiết kiệm đạn dược và bù đắp thiếu hụt.
Trong khi Ukraine có thêm các loại lựu pháo phương Tây nên có thể dùng đạn do phương Tây viện trợ, Nga hạn chế hơn về nguồn cung ứng, buộc lực lượng pháo binh nước này phải dần chuyển từ pháo kích dồn dập sang tấn công chính xác để dùng ít đạn hơn.
Điều này mang đến mối đe dọa mới cho quân đội Ukraine, vì hỏa lực Nga cũng đang chính xác và hiệu quả hơn. Một báo cáo mới của Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh cho biết ở lực lượng Nga "dường như có xu hướng chuyển sang tối đa hóa độ chính xác và giảm số lượng đạn cần thiết để đạt được kết quả mong muốn" thay vì bắn càn quét.
Tác giả của báo cáo là hai chuyên gia Jack Watling và Nick Reynolds nhận định xu hướng này "dần dần có thể giúp Nga cải thiện đáng kể lực lượng pháo binh của mình". Đây là thay đổi lớn so với truyền thống tận dụng ưu thế số lượng của pháo binh Nga. Một ví dụ điển hình là trong Chiến dịch Bagration vào Thế chiến 2, Nga đã dùng 7.000 lựu pháo, cối và pháo phản lực bắn càn quét tuyến phòng ngự Đức suốt 2 giờ. Cuộc tấn công ngay sau đó đã giúp Nga tiêu diệt một tập đoàn quân Đức.
Cho đến nay, các học thuyết pháo binh của Nga vẫn chủ yếu dựa trên phân tích sâu rộng dữ liệu Thế chiến 2 để xác định cần bao nhiêu quả đạn để đạt được hiệu quả cụ thể. Theo đó, "720 viên đạn được đánh giá là cần thiết để đạt được mục tiêu trấn áp một vị trí chiến đấu cấp trung đội". Theo báo cáo của RUSI, đó là "cơ sở để Nga khai hỏa trong giai đoạn mở đầu" chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Nhưng dù sở hữu một ngành công nghiệp quốc phòng lớn để sản xuất đạn dược, lực lượng pháo binh Nga ở Ukraine cũng không thể duy trì tốc độ bắn lên tới 30.000 quả đạn/ngày.
Báo cáo của RUSI nhận định: "Trước hết, lực lượng Nga thiếu đạn dược để duy trì mức độ hỏa lực này. Thứ hai, công tác hậu cần để đảm bảo mức độ hỏa lực như vậy rất dễ bị phát hiện và tấn công chính xác tầm xa. Thứ ba, tổn thất radar phản pháo và hao mòn nòng pháo đồng nghĩa với việc hiệu quả phương pháp chế áp hỏa lực bằng số lượng này đang giảm dần".
Thay vào đó, Nga đang chuyển sang "tổ hợp hỏa lực trinh sát". Trong khái niệm này, thông tin cảm biến thời gian thực - chủ yếu nhờ máy bay không người lái (UAV) - sẽ giúp nhanh chóng triển khai hỏa lực pháo binh chính xác vào các mục tiêu được chỉ định. Đây là hệ thống được quân đội phương Tây sử dụng từ lâu và ngày càng được Ukraine ứng dụng nhiều hơn khi nước này được viện trợ pháo và đạn pháo thông minh của phương Tây như Excalibur, loại đạn 155 mm dẫn đường bằng GPS do Mỹ sản xuất.
Báo cáo của RUSI cho biết Nga hiện đang ưu tiên sản xuất đạn dẫn đường bằng laser Krasnopol 152 mm. Các UAV cỡ nhỏ - trong đó có nhiều mẫu thương mại được hoán cải để dùng trong quân sự - được Nga triển khai liên tục để xác định vị trí và hoạt động di chuyển của quân Ukraine.
Các lực lượng Ukraine đã bị Nga tấn công nhiều hơn bằng các loại máy bay không người lái (UAV) tự sát, từ loại đạn tuần kích Lancet, UAV tấn công theo mẫu Shahed-136 của Iran, cho đến UAV dân sự được gắn chất nổ. Nga cũng liên tục cải tiến UAV, chẳng hạn giảm tiếng ồn và cải thiện khả năng chống nhiễu cho mẫu Shahed-136.
Báo cáo của RUSI lưu ý: "Sự gia tăng về độ phức tạp, đa dạng và mật độ của UAV Nga là đáng lo ngại".
Nhưng điều này không có nghĩa là Nga đã chấm dứt pháo kích ồ ạt, vì phần lớn các loại vũ khí pháo binh của nước này được thiết kế từ thời Chiến tranh lạnh, không đủ chính xác để diệt một mục tiêu bằng một phát đạn duy nhất.
Cũng theo báo cáo của RUSI, Nga tiếp tục "phụ thuộc nhiều" vào pháo phản lực phóng loạt, súng cối 120 mm và "các hệ thống vũ khí thiếu chính xác khác", và "việc cắt giảm chi phí trong sản xuất đạn dược đang trở nên rõ ràng".
Bình luận (0)