Pháo binh Ukraine không chỉ có vấn đề thiếu đạn

Pháo binh Ukraine không chỉ có vấn đề thiếu đạn

23/02/2024 13:27 GMT+7

Việc quân đội Ukraine khai thác quá mức các hệ thống pháo binh của họ đã gây ra nhiều vấn đề, chứ không chỉ là thiếu đạn dược, theo một báo cáo mới của Mỹ.

Theo Business Insider, báo cáo của tổng thanh tra đặc biệt gửi quốc hội Mỹ về chiến dịch “Atlantic Resolve” (chiến dịch của Mỹ nhằm luân phiên triển khai lực lượng tại châu Âu để đối phó với Nga kể từ năm 2014), được công bố hôm 15.2, cho biết: “Mức độ bắn ra (đạn pháo) liên tục vượt quá mức độ cung ứng từ các nguồn viện trợ quốc tế và sản xuất trong nước của Ukraine”.

Nghiêm trọng hơn, báo cáo cũng lưu ý rằng “mức độ bắn ra cao của quân đội Ukraine cũng có tác động tương ứng đến việc duy trì các hệ thống pháo binh trong nước và được quốc tế tài trợ”.

Theo báo cáo mới, “việc sử dụng cực kỳ tích cực các loại vũ khí này, trong khi phụ tùng thay thế có giới hạn, đã dẫn đến việc vũ khí vẫn được sử dụng khi đã quá thời hạn bảo trì hoặc thay thế được khuyến nghị”.

Báo cáo kết luận rằng việc Ukraine sử dụng hỏa lực pháo binh “ngoài mục đích dự định” có thể gây ra hỏng hóc nghiêm trọng cho khí tài cũng như gây thương vong cho binh sĩ.

Pháo binh Ukraine không chỉ có vấn đề thiếu đạn- Ảnh 1.

Một binh sĩ Ukraine chuẩn bị đạn pháo 155mm ở vị trí chiến đấu thuộc tỉnh Donetsk (miền đông Ukraine), ngày 6.8.2023

REUTERS

Ukraine đã ưu tiên sử dụng các hệ thống máy bay không người lái cho các nhiệm vụ tấn công, giám sát và dẫn đường trong xung đột đang diễn ra với Nga. Với ít đạn dược hơn, Ukraine phải bắn thông minh hơn.

Các binh sĩ Ukraine cho biết máy bay không người lái của họ dường như hoạt động tốt khi phối hợp với pháo binh, tăng độ chính xác lên 250%. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên thời chiến của đất nước đang cạn kiệt trầm trọng.

Ukraine gần đây không thể nhận được thêm viện trợ của Mỹ và nếu viện trợ này tiếp tục bị quốc hội Mỹ trì hoãn, lực lượng Kyiv có thể phải chịu thêm áp lực, thậm chí đối mặt với viễn cảnh thua cuộc.

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS, trụ sở tại Anh) cho rằng việc thiếu thiết bị và vật tư nói chung của Ukraine đã khiến nước này không thể khai thác tối đa sức mạnh của các đơn vị chiến đấu mới.

Mặt khác, Nga đã sản xuất đủ xe tăng, phương tiện chiến đấu và các thiết bị khác, cũng như có kho dự trữ đủ lớn để bù đắp tổn thất. Theo phân tích của IISS, Moscow có đủ phương tiện để tiếp tục cuộc chiến với tốc độ tiêu hao thiết bị hiện tại trong hai đến ba năm nữa.

Các phân tích khác gần đây cho rằng Nga cũng có thể duy trì tình trạng tổn thất binh sĩ như hiện tại trong hai năm nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.