Hiện nay, nhờ áp dụng kỹ thuật Ultra-low Contrast bao gồm "bộ ba" robot xoay 360 độ chụp mạch vành (Cardiac Swing) kết hợp "la bàn" Dynamic Coronary Roadmap (DCR) định hướng và "mắt thần" (IVUS) dẫn đường đặt stent, trong một số trường hợp, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Tâm Anh có thể chỉ dùng 1/5 lượng thuốc cản quang so với kỹ thuật thông thường, bảo tồn chức năng thận, giảm tái hẹp, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
ĐẶT STENT TỐI THIỂU THUỐC CẢN QUANG, BẢO TỒN CHỨC NĂNG THẬN
Sau 3 ngày đặt stent mạch vành, bà Nguyễn Thị Minh (67 tuổi, ngụ Tiền Giang), bệnh nhân suy thận giai đoạn 4, đã khỏe khoắn, hết đau ngực, khó thở. Lần đầu tiên sau nhiều năm bà được ngủ một giấc thật sâu, ăn thật ngon và thoải mái đi lại khắp dãy hành lang mà không còn nặng ngực, thở dốc. Chức năng tim mạch cải thiện đáng kể so với trước can thiệp. Tim được bơm máu tốt hơn tăng tưới máu cho thận nhiều hơn. Chức năng thận không có dấu hiệu suy nặng hơn mà đang dần cải thiện.
Đây là một trong số hàng trăm bệnh nhân lớn tuổi, hẹp mạch vành nặng, phức tạp kèm nhiều bệnh lý nền như suy thận, suy tim, đái tháo đường, không thể phẫu thuật... được can thiệp thành công tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh.
Tháng trước, bà Minh từng 2 lần nhập viện cấp cứu khi có dấu hiệu nhồi máu cơ tim. Bà bị tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận giai đoạn 4, nếu chụp mạch vành cần bơm khoảng 20 - 30 ml kết hợp can thiệp thuốc cản quang vào cơ thể sẽ khiến bệnh suy thận tiến triển, bà phải chạy thận. Gia đình chọn phương án điều trị nội khoa để khắc phục triệu chứng. Tình trạng đau ngực của bà vẫn chưa được giải quyết triệt để.
"Để đánh giá tình trạng động mạch vành, bác sĩ thường phải chụp từ 6 - 8 góc, tương đương 6 - 8 lần bơm thuốc cản quang, trong đó mỗi lần bơm từ 2 - 4 ml nên cả quy trình chụp lượng thuốc đưa vào cơ thể bệnh nhân có thể lên đến 20 - 30 ml. Với người bệnh suy thận, việc tiếp nhận lượng thuốc cản quang lớn sẽ khiến bệnh tiến triển, trường hợp nặng phải chạy thận", thạc sĩ - bác sĩ CKII Võ Anh Minh, Trưởng đơn vị can thiệp mạch vành, Trung tâm Can thiệp mạch (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM), cho biết.
Bệnh viện đa khoa Tâm Anh là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam trang bị hệ thống chụp mạch can thiệp số hóa xóa nền (DSA) Philips Azurion Robotic Ceiling FlexArm treo trần tích hợp bộ 3 phần mềm hiện đại trong can thiệp tim mạch như chụp mạch vành tối thiểu thuốc cản quang (Cardiac Swing), "mắt thần" siêu âm lòng mạch (IVUS) và "la bàn" định hướng (Dynamic Coronary Roadmap) giúp tối ưu hóa quá trình chụp mạch vành và đặt stent với lượng thuốc cản quang thấp nhất.
Với cánh tay robot xoay 360 độ quanh bệnh nhân kết hợp công nghệ thu hình trục kép (bắt hình liên tục khi cánh tay robot quay quanh bệnh nhân) của phần mềm Cardiac Swing, chỉ cần 2 lần chụp với tổng cộng 7 - 8 ml thuốc, hệ thống có thể ghi nhận một cách đầy đủ, rõ nét hình ảnh tổn thương động mạch vành ở mọi góc độ.
Nhờ "mắt thần" IVUS siêu âm trong lòng mạch kết hợp "la bàn" định hướng cùng kinh nghiệm can thiệp những ca phức tạp, bác sĩ xác định chính xác đường kính lòng mạch và vị trí cần đặt stent thay vì bơm thuốc cản quang. Từ đó nong bóng, đặt stent đường kính lớn nhất với lượng thuốc cản quang thấp nhất, trong thời gian ngắn nhất.
"Nếu áp dụng kỹ thuật thông thường, để tái thông 2 nhánh mạch máu chính nuôi tim hẹp 90 - 95%, nhánh còn lại hẹp 99% như bệnh nhân này, có thể cần bơm lượng thuốc cản quang lên đến 100 ml; nhưng chúng tôi chỉ dùng 12 ml cho cả quy trình chụp và can thiệp", bác sĩ Anh Minh chia sẻ.
NGÀNH THÔNG TIM CAN THIỆP VƯƠN TẦM THẾ GIỚI
Bác sĩ CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, dẫn chứng trên thế giới, kỹ thuật Cardiac Swing mang lại hiệu quả cao. Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên Thư viện y khoa Quốc gia Mỹ, sau khi chụp động mạch vành bằng kỹ thuật Cardiac Swing cho 107 bệnh nhân và kỹ thuật thông thường cho 104 bệnh nhân, lượng thuốc cản quang cần dùng ở kỹ thuật Cardiac Swing giảm hơn 36% so với kỹ thuật thông thường và 64% bệnh nhân chỉ cần 2 lần chụp là có được hình ảnh động mạch vành hoàn chỉnh, đạt yêu cầu.
ỨNG DỤNG KỸ THUẬT CAO MANG LẠI CHẤT LƯỢNG SỐNG TỐT NHẤT CHO BỆNH NHÂN
Bệnh viện đa khoa Tâm Anh đã kế thừa và phát huy những kỹ thuật can thiệp tim mạch tiên tiến của thế giới. Bệnh viện đã đặt thành công stent đường kính "khổng lồ" lên đến hơn
5 mm cho nhiều trường hợp hẹp mạch vành kèm bệnh nền phức tạp, với tỷ lệ tái hẹp rất thấp.
Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật những công nghệ mới mang lại cho bệnh nhân sức khỏe và chất lượng sống tốt nhất.
BS CKII Huỳnh Ngọc Long
Theo thông tin từ hãng Philips, nghiên cứu cũng ghi nhận "la bàn" Dynamic Coronary Roadmap (DCR) giúp giảm 28,8% lượng thuốc cản quang sử dụng so với kỹ thuật can thiệp không có DCR, góp phần bảo vệ sức khỏe bệnh nhân.
Bên cạnh Cardiac Swing, Dynamic Coronary Roadmap, "mắt thần" IVUS được kết tinh từ hàng triệu tinh thể bạch kim và chip điện tử cho hiển thị hình ảnh 3D sống động về lòng mạch và cả thành mạch máu. Nhờ đó tối ưu hóa quá trình đặt stent, giúp bác sĩ chọn được stent đường kính lớn nhất và dài nhất, nong stent mở rộng tối đa, áp sát thành mạch máu, giảm nguy cơ tắc cấp hay tái hẹp sau đặt stent. So với kỹ thuật đặt stent truyền thống, kỹ thuật mới giúp giảm tỷ lệ tắc cấp (bóc tách lớp nội mạc, tạo huyết khối cấp trong vòng một tháng sau khi đặt stent) còn 0,44% (so với 1,7% của kỹ thuật thông thường); tái hẹp còn 1,6% trong năm đầu (so với 5,2%) và 4,2% trong 3 năm tiếp theo (so với 10,7%).
"Còn tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, thống kê cho thấy, sau can thiệp, tỷ lệ tắc cấp là 0%, tái hẹp là 0,4%, tương đương kết quả của thế giới. Đây là bước tiến mới mà các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Tâm Anh đã nỗ lực đạt được, và cũng cho thấy ngành thông tim can thiệp ở Việt Nam đã vươn tầm thế giới", bác sĩ Long khẳng định.
Cùng với đó, các kỹ thuật tiên tiến như khoan cắt mảng xơ vữa vôi hóa bằng đầu khoan phủ kim cương (Rotablator), đánh giá sinh lý lòng mạch (iFR/FFR), can thiệp đường động mạch quay (ở cổ tay)... đã hỗ trợ quá trình đặt stent đạt hiệu quả tối ưu. Đặc biệt, nhờ ứng dụng kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO) ngay trong phòng thông tim, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh đã cứu sống nhiều bệnh nhân biến chứng nhồi máu cơ tim nặng dẫn đến sốc tim, ngừng tim.
Bình luận (0)