Pháo đài tình yêu

29/10/2020 08:00 GMT+7

Xóm Ba Làng nằm ngay nơi con sông Cái đổ ra biển. Tôi chẳng biết tự bao giờ xóm có tên Ba Làng.

Trong ký ức hanh hao nắng dội nơi triền sông của tôi, giữa những ruộng dưa chuột cũng quay quắt vì đất cằn cát sỏi, ba tôi đội cái nón tơi, bổ từng nhát cuốc xuống màu đất bàng bạc nắng, như cố tìm chút hy vọng mát lành nào đó cho ruộng dưa của mình.
Ngõ vào xóm Ba Làng có cái chợ quê, cỏn con như con tôm con tép xứ kỳ cùng, nhưng đó lại là tất cả những gì hào nhoáng của tôi thuở còn lon ton theo ba ra chợ. Chợ chẳng ai xa lạ gì nhau, đều là người trong xóm. Ở cái chợ nhỏ này, người ta bán cho nhau những cái vụn vặt thường ngày, và người ta nói nhiều với nhau về giấc mơ. Những giấc mơ họ thường dành cho con cái mình. Tôi biết, ba tôi cũng có riêng ông một giấc mơ.
Từng người dân ở xóm Ba Làng đều nằm lòng khoảng trời mình sống cùng. 6 tháng nắng gắt, 3 tháng mưa dầm và 3 tháng mùa bão. Tôi nhớ lần đó, trong cái đêm tôi và ba ru rú trong UBND xã. Bên ngoài bão quần mưa quật mù trời. Trong không gian leo lét ánh đèn dầu, tôi hỏi ba: “Bão lớn, nhà sập thì mình ở đâu hả ba?”. Ba tôi ngồi rê điếu thuốc, gương mặt ông bình thản: “Năm nào chả vậy, mai về ba dựng lại”… Tôi nhìn xung quanh mình, lúc ấy, những gương mặt quen thuộc ở xóm Ba Làng cũng đang quây quần như cha con tôi. Chẳng ai sợ hãi điều gì. Tôi biết, họ lúc nào cũng còn nỗi lo khác. Ba tôi hỏi tôi chuyện học hành. Đâu đó xung quanh tôi lúc ấy, chú Năm, cô Bảy, hay ông Thầu Xìn bỗng dưng tham gia vào câu chuyện học của tôi, rồi đến con cái họ. Chuyện chữ nghĩa của lũ con nít tụi tôi khi ấy, bỗng dưng hóa thành chủ đề ngọt ngào như cái giếng trong trẻo, nhờ được khơi trúng mạch nguồn, mặc ngoài kia đất trời đang ầm ào gào thét.
Cứ mỗi năm trôi qua, từng con người ở xóm nhỏ Ba Làng ấy cứ lầm lũi đời mình cùng những giấc mơ riêng. Dù con sông Cái quen thuộc ấy có lúc lặng lờ, có lúc cuồn cuộn tràn bờ san phẳng ngôi chợ quê chới với cùng màn trời. Dù cho cơn nắng vàng vọt như muốn bổ tung hòn sỏi nóng ran, hay những cơn bão liên tiếp kéo về quăng quật xóm nhỏ, thì những con người như tôi biết ấy vẫn cứ bình thản, vẫn cứ nương theo cảnh trời, để cố dệt cho xong đôi cánh cho con cái mình.
Tôi về lại xóm Ba Làng khi ba tôi đã hoàn thành giấc mơ của ông. Tôi chẳng biết ông đã hài lòng hay chưa, khi thằng con năm ấy của ông đã đủ cứng cáp để đa đoan với nghiệp đời. Ông ngồi im lặng, hớp chung trà. Ngoài kia, gió từ con sông Cái thổi từng chập vào gương mặt đen sạm, hằn một kiếp bươn chải của ông. Xóm Ba Làng nay đã khác, có thêm da thịt. Con sông Cái cũng đã có riêng cây cầu xi măng hoành tráng cùng bờ đê kiên cố chạy dài. Ba tôi vẫn vậy, vẫn bình thản… ông nhìn xa xăm về con sông đầy nắng mưa quen thuộc đời mình, rồi nhỏ nhẹ: “Dịch bệnh hoành hành, đi đâu cũng nhớ để ý nghe chưa”… Tôi nhìn ra khu chợ cỏn con đầu xóm, thấy người ta đã riêng mình phòng vệ, đối đầu với dịch bệnh tự lúc nào. Nhìn ba tôi và họ, tự nhiên tôi nhớ về cái đêm mưa bão ấy, lại một lần nữa, tất cả những con người này bình thản đến lạ lùng trước những thăng trầm cuộc đời.
Tôi đã đến nhiều vùng đất và gặp được nhiều người hay ho, nhờ đôi cánh mà ba tôi âm thầm chắp vào đời mình. Nhưng dù có bay đến bao xa, gặp đến bao người, thì tôi vẫn cứ ám ảnh mãi cái cách mà ba tôi, người dân xóm Ba Làng và xa hơn nữa là cả một phận đời của những con người nơi dải đất miền Trung, luôn kiên cường trong âm thầm, để dệt nên những giấc mơ ngoài bản thân họ. Từ ngôi chợ nhỏ nơi đầu xóm Ba Làng, nhiều người như ba tôi đã bình thản chuyện trò khi gặp lại tôi. Con cô Tư giờ là thạc sĩ công nghệ, con chú Sáu giờ là kỹ sư cầu đường... Nhìn vẻ thản nhiên của họ, tôi biết, những đứa trẻ giỏi giang ấy sẽ chẳng về làng nữa, và có thể chúng sẽ nhớ nhớ, quên quên từng mùa mưa bão mà ba mẹ chúng từng trải qua... Nhưng những người như tôi gặp ấy, họ chẳng phán xét gì, họ chỉ cười: “Sống đâu cũng được, miễn phải có ích”.
Tôi có tự hào vì mình là người miền Trung hay không? Tôi không biết, nhất là khi nghe một tiếng sấm rền trời, tôi cũng thon thót giật mình… Nhưng tôi biết chắc một điều, tôi tự hào về ba mình, về xóm Ba Làng, và hàng vạn người cha, người mẹ miền Trung khác. Trong tôi, họ là những pháo đài, luôn vững chãi, kiên cố với đời, và luôn đầy sự hy sinh không toan tính, để cố đưa những giấc mơ của mình bay cao lên những tầng trời…
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.