Pháo hoa giao thừa cũng bớt rộn ràng nếu thiếu… hàng xóm chung vui

29/11/2019 08:00 GMT+7

Những mùa Tết Việt rộn ràng được dệt nên từ tình thân và cả tình làng nghĩa xóm bền chặt. Sẽ thiếu vắng biết bao nếu một ngày nào đó, chuyện “ăn” tết bỗng chốc chỉ còn là chuyện của riêng mỗi gia đình.

Không thân sao gọi là “hàng xóm”!

Hai tiếng “hàng xóm” cứ ngỡ xa lạ nhưng thật ra lại vô cùng gắn kết. Có lẽ chính tình cảm chân thành và sự tin tưởng vô điều kiện giữa những người không thân thích nhưng “có duyên” ở cạnh nhau đã tạo nên sự kết nối bền chặt. Đáng trân trọng hơn, chuyện giữa hàng xóm với nhau còn là bao kỷ niệm đẹp của nhiều thế hệ. Như câu chuyện của T., dấu ấn đặc biệt của tết đến từ những lần đi mua quần áo đẹp đón tết cùng hội chị em hàng xóm: “Mình có nguyên một hội chị em bạn dì 5 cô nàng rất thân cùng xóm, cứ mấy ngày giáp tết là tưng bừng hẹn nhau cùng đi sắm sửa đồ tết cho vui. Đến tết, mấy chị em cùng mặc chung một kiểu, chỉ khác màu, đi chợ hoa ai cũng tưởng “ngũ long công chúa” là chị em ruột, vui lắm”.
Nếu như trước đây, từ đầu tháng chạp, không khí tết đã ngập tràn thì nay, ai cũng cuốn theo vòng xoáy mưu sinh nên phải đến tận gần giao thừa, mọi người mới có thể tề tựu. Đặc biệt ở những thành phố lớn hay trong các chung cư, hàng xóm nhiều khi chỉ chạm mặt nhau qua loa, tết đến người thì về quê, người thì vi vu du lịch nên cơ hội “hâm nóng” tình cảm xóm giềng càng mong manh hơn.

Kết tình hàng xóm, cho tết thêm “xôm”

Ở một miền ký ức xa xôi, những ngày cận tết, mỗi nhà trong xóm sẽ cùng góp nếp, đậu xanh, lạp xưởng rồi quây quần gói bánh, canh lửa nồi bánh chưng, bánh tét. Ngày nay, tuy những thói quen ấy không còn được duy trì như trước nhưng dù đi đâu làm gì, đến 3 ngày tết chính, hàng xóm láng giềng đều dành thời gian đến nhà nhau thắp một nén nhang lên bàn thờ gia tiên, uống chén trà, thăm hỏi nhau.
Lần đầu “ăn” tết xa quê, bạn H., du học sinh ở châu Âu kể lại: “Lần đầu tiên mình đi du học đúng vào dịp cận tết, chưa kịp quen ai, trời thì lại lạnh thấu xương. Mình cũng đã chuẩn bị tinh thần đón tết xứ người từ trước nhưng nước mắt cứ chực trào. Không ngờ nhà kế bên là một gia đình đồng hương. Anh chị rủ mình qua chơi, cùng nấu đồ ăn đón tết rồi xem Táo quân trên máy tính, đầm ấm lắm, làm mình cảm nhận được hương vị tết dù ở rất xa nhà”.
Tình thân giữa xóm giềng đôi lúc cũng trở thành nỗi “thèm khát” cho những ai vì mưu sinh mà không thể về quê đón tết. Nhớ lại một lần lỡ hẹn về quê, bạn M. chia sẻ: “Tết năm ngoái mình kẹt công việc đột xuất nên đành ngậm ngùi ở lại thành phố đón giao thừa, lúc đó nghĩ đến mẹ và xóm giềng ở quê đang làm mứt tết đông vui, tủi thân vô cùng. Tự nhiên chị hàng xóm kế bên gõ cửa hỏi thăm cách làm mứt vì năm trước mình cũng gửi mứt nhà làm cho chị, thế là hai chị em cùng đi chợ mua đồ về nhà làm mứt dừa. Tâm sự với chị một hồi, lại thêm chơi với mấy đứa nhóc con chị nên mình bỗng đỡ buồn hẳn, rồi kể từ bữa đó mà hai chị em thân thiết hơn đến tận bây giờ”.
Một mùa tết nữa lại về, nếu cả năm qua chưa có dịp chào hỏi hàng xóm thì hôm nay ra làm quen ngay chứ nhỉ. Hoặc lỡ mà có “bồ kết” cô bạn nhà bên hay anh chàng sát vách thì sáng mai, hãy thử gõ cửa nhà hàng xóm với một nụ cười và món quà nhỏ, có khi bạn sẽ phải bất ngờ trước niềm vui nhân đôi của mùa tết sắp về ấy chứ.
Tết có thể xem là dịp đặc biệt nhất trong năm và cũng là “cái cớ” phù hợp nhất để sẻ chia, kết nối và sum vầy. Hàng xóm vẫn luôn ở đấy, và nhiều khi một cử chỉ quan tâm đơn giản, một lời hỏi han “đúng thời điểm” lại là khởi đầu của một tình bạn đẹp, miễn là người ta chân thành với nhau.
Thử thách “Kết thân hàng xóm” trên fanpage Coca-Cola sẽ là cơ hội để bạn lan tỏa niềm vui và gắn kết ngay trong dịp tết này. Chương trình diễn ra từ ngày 28.11 - 30.12.2019 với nhiều phần quà hấp dẫn có tổng giá trị giải thưởng lên đến 93.400.000 VNĐ. Đặc biệt, với mỗi lượt tham gia, bạn đã góp 10.000đ vào quỹ Gắn kết yêu thương để tổ chức 50 bàn tiệc tết cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.