Pháo sáng làm vẩn đục bóng đá Việt Nam

13/09/2019 09:00 GMT+7

Sự cố nghiêm trọng liên quan đến vụ khán giả quá khích đốt pháo sáng, bắn pháo thăng thiên làm trọng thương cổ động viên nữ Hà Nội, hành hung cảnh sát cơ động đến mức phải nhập viện, ở trận đấu bù vòng 22 V-League 2019 đang làm chấn động dư luận.

Một loạt án phạt rất nặng sẽ được đưa ra, nhưng sẽ là chưa đủ với mức độ nghiêm trọng của vụ việc, mà có thể phải xử lý hình sự.

Nữ nạn nhân đáng thương của pháo sáng bây giờ ra sao?

Bức xúc với sự phủ nhận của Hội CĐV Nam Định

Vụ việc xảy ra trên sân Hàng Đẫy (Hà Nội) vào tối 11.9 như một vết nhơ cho bóng đá VN. Hàng chục quả pháo sáng ném xuống đường piste, xuống sân cỏ ở nhiều thời điểm trong trận đấu. Văn Kiên, Văn Quyết 3 lần bị ném pháo sáng nhưng rất may không trúng người. Trọng tài Ngô Duy Lân đã phải tạm dừng trận đấu ở đầu hiệp 2 do tình hình vô cùng hỗn loạn xuất phát từ khu vực của khán giả Nam Định ở 3 cửa khán đài B (trận này cổ động viên (CĐV) Nam Định được bố trí 3.000 vé - nhiều nhất từ trước đến nay). Sự việc nghiêm trọng đã xảy ra khi khán giả nữ Tô Huyền Anh (34 tuổi) ngồi ở cửa A3 khán đài A bị một quả pháo thăng thiên bắn từ khán đài B sang trúng đùi, gây bỏng lưu huỳnh cấp độ nặng. Đến cuối và sau trận, có thêm 3 quả pháo thăng thiên nữa được bắn, trong đó có tình huống khi đang trả lời phỏng vấn, Văn Quyết đã phải giật mình bởi một quả pháo bay ngang qua đầu anh. Lực lượng an ninh quá mỏng, quá thiếu, không đủ trấn áp sự hung hãn của khán giả quá khích. Trong lúc đang thi hành nhiệm vụ, có 2 cảnh sát cơ động bị hành hung, trong đó một cảnh sát chấn thương nặng phải nhập viện (có dấu hiệu bị dập phổi và hoảng loạn vì bị đánh vào đầu). Sau khi rời sân, nhóm CĐV quá khích còn đốt pháo sáng dọc phố Trịnh Hoài Đức.

Cận cảnh pháo sáng bay như hỏa tiễn giữa hai khán đài Hàng Đẫy

Sáng 12.9, trên fanpage Hội CĐV Nam Định đã đăng lời xin lỗi, nhưng không nhận được nhiều đồng tình với giải thích không biết nhóm đốt pháo là thành phần nào, có phải hội viên hay không. Ngay cả các hội viên cũng không đồng ý với cách giải thích trốn tránh đó. Hội viên Giap Tran đặt một loạt câu hỏi: “Như này liệu có phải né tránh trách nhiệm không? Nếu thấy khán giả đội nhà quá khích sao ngay lúc đó bên ban cổ vũ không có ai đứng lên cầm loa lên tiếng để hãm sự quá khích đó lại có phải tốt hơn không?...”. Bạn Trung Nguyen bày tỏ: “Những lời lẽ thù địch vượt qua giới hạn của bóng đá của một số CĐV Nam Định được đăng trên fanpage hội CĐV thời gian qua khiến mình thấy bất an. Những người được cho là có trách nhiệm điều hành hội lẽ ra phải nhận ra và có biện pháp phòng ngừa. Xây thì lâu, phá thì nhanh quá”.

Công an cần phải vào cuộc và nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì nhiều khả năng cơ quan chức năng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người có liên quan

Ông Vũ Xuân Thành, Trưởng ban Kỷ luật VFF

Về trách nhiệm quản lý của Liên đoàn Bóng đá VN (VFF), anh Huỳnh Phong (37 tuổi) nhận xét: “Đối ngoại, VFF từng bị AFC phạt gần 40.000 USD (khoảng 1 tỉ đồng) vì CĐV đốt pháo sáng, ném chai nước ở vòng loại U.23 châu Á tại Mỹ Đình. Trước đó, ở vòng loại Asian Cup 2019, ASIAD 2018, VFF đều bị phạt vì CĐV đốt pháo sáng. Trong nước, VFF gây tranh cãi khi Ban giải quyết khiếu nại “đè” án phạt treo sân Hàng Đẫy của CLB Hà Nội sau sự cố pháo sáng dữ dội trận gặp Hải Phòng ở vòng 6. Rõ ràng từ trong nhà ra ngoài ngõ VFF đều cho thấy sự bất lực có hệ thống. Nó cho thấy cách quản lý yếu kém của mình. Việc VFF tự xóa lệnh treo sân bất chấp áp lực từ dư luận cho thấy có sự bao che rất rõ. Chính sự bao che này đã dẫn đến bất mãn, phản ứng âm ỉ và nay bùng phát. Nhiều người hỏi tại sao pháo sáng luôn chỉ rộ lên ở các trận sân nhà của Hà Nội, trong khi Viettel cũng đá ở Hàng Đẫy lại rất an toàn?”.
Pháo sáng làm vẩn đục bóng đá Việt Nam1

Pháo thăng thiên bắn từ khán đài B sang làm 1 nữ CĐV Hà Nội bị thương ở đùi

Ảnh cắt từ clip VTV

Có thể khởi tố vụ án

Quy định kỷ luật sửa đổi bổ sung do VFF ban hành năm 2018 đã trở nên quá lỗi thời bởi các hình thức xử lý dành cho những lỗi vi phạm trong công tác tổ chức không còn đủ sức răn đe. Nếu chiếu theo điều 68 của quy định này, ban tổ chức sân Hàng Đẫy sẽ chỉ bị phạt tiền tổng cộng 125 triệu đồng vì các lỗi: để xảy ra tình trạng CĐV thóa mạ quan chức đội bạn, chửi bới trọng tài; vi phạm nhiều lần trong trận đấu; để khán giả đốt pháo nổ các loại gây hoang mang, ảnh hưởng đến sức khỏe người khác. Đó là chế tài, còn về mức phạt khác, đội Hà Nội sẽ bị xử lý bằng hình thức thi đấu trên sân nhà không có khán giả hoặc dời đến sân trung gian. Cũng theo điều 68, vì lỗi do CĐV của đội khách gây ra nên đội khách Nam Định sẽ bị xử lý kỷ luật như trên.
Các hình thức xử phạt của VFF như vừa liệt kê ở trên (nếu xử ở mức kịch khung) không thể đủ sức răn đe. Sự cố ở sân Hàng Đẫy, theo quan điểm của ông Vũ Xuân Thành, Trưởng ban Kỷ luật VFF, có thể phải xử lý hình sự bởi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; các cá nhân và tập thể đã gây rối gây hậu quả nghiêm trọng, hủy hoại nghiêm trọng sức khỏe người khác. Ông Thành nói: “Chúng tôi sẽ xử ở mức cao nhất của quy định kỷ luật và còn thu thập đủ hồ sơ, băng hình gửi sang cơ quan điều tra. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì nhiều khả năng cơ quan chức năng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người có liên quan”.
Luật sư Mai Trung Dũng, Đoàn luật sư Mai Thương (Hà Nội), cho hay: “Tôi cho rằng hành vi bắn pháo thăng thiên làm trọng thương CĐV không phải là sự vô ý mà cố tình. Đánh cảnh sát gây thương tích cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Có thể khởi tố được vụ án nếu như cơ quan chức năng đủ bằng chứng. Tất cả vụ việc liên quan đến đốt pháo sáng trên các sân cỏ VN từ trước đến nay đều xử lý khá nhẹ tay, hầu hết chỉ là phạt tiền mà số tiền không cao bằng kinh phí ban tổ chức sân phải chi ra để thuê an ninh, nên một số sân thà chấp nhận bị phạt. Điển hình nhất là vòng 6 V-League 2019, khán giả Hải Phòng đốt pháo sáng tới gần 50 quả nhưng sân Hàng Đẫy cũng chỉ bị phạt 70 triệu đồng vì Ban Giải quyết khiếu nại VFF đã xóa án treo sân 1 trận mà Ban Kỷ luật vừa ban hành trước đó đúng nửa ngày. Với vụ xảy ra vào tối 11.9, cần phải xử lý dưới góc độ pháp luật”.
Hà Nội yêu cầu công an không để khán giả mang pháo sáng vào sân
Ngày 12.9, Chánh văn phòng UBND TP.Hà Nội Vũ Đăng Định đã ký công văn với nội dung: “Khi trận đấu giữa Hà Nội và Nam Định đang diễn ra vào ngày 11.9, sân Hàng Đẫy đã xảy ra mất an ninh trật tự, bắn pháo sáng làm bị thương một số chiến sĩ lực lượng an ninh và CĐV tham dự. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo: Giao cho Công an TP.Hà Nội chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật (làm rõ trách nhiệm những cá nhân có liên quan đến công tác bảo vệ), báo cáo UBND TP.Hà Nội theo đúng quy định. Đối với các trận đấu tiếp theo tại sân Mỹ Đình và sân Hàng Đẫy, yêu cầu Công an TP.Hà Nội có phương án đảm bảo an ninh trật tự, không để khán giả mang pháo sáng, pháo hoa... vào sân làm mất an ninh trật tự như sự việc vừa nêu trên”.
Phải lắp camera an ninh trên khán đài
Hôm qua, Bộ VH-TT-DL đã có văn bản do Thứ trưởng Lê Khánh Hải kiêm Chủ tịch VFF ký, gửi VFF, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) yêu cầu xử lý nghiêm khắc BTC sân Hàng Đẫy. Có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với tập thể, cá nhân để xảy ra hiện tượng đốt pháo trên. Yêu cầu các sân trong thời gian tới lắp camera an ninh trên khán đài; kiểm tra, rà soát lại các phương án bảo đảm an ninh, trật tự. Đối với các sân không chấp hành nghiêm các quy định về an ninh, trật tự kiên quyết không cho tổ chức thi đấu. Yêu cầu VPF phân tích nguyên nhân, bài học trong việc phối hợp chuẩn bị, ứng phó và xử lý sự cố trong quá trình tổ chức; kiên quyết triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong thời gian tới. Theo nguồn tin của Thanh Niên, sân Hàng Đẫy sẽ bị treo 2 trận không có khán giả khi gặp Viettel cuối tuần này và gặp Quảng Nam ở vòng 25 V-League.
L.P
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.