Pháp chi 18 tỉ đồng gìn giữ di sản Việt

10/05/2022 06:29 GMT+7

Dự án Chia sẻ và gìn giữ di sản VN sẽ triển khai trong các năm 2022 - 2024 với chi phí 18 tỉ đồng.

Bà Frédérique Horn, Tham tán văn hóa Pháp tại VN, mở đầu câu chuyện dự án văn hóa Pháp - Việt mới của mình bằng quan điểm của người Pháp về di sản. “Di sản trong tiếng Pháp thường dùng ở số nhiều. Điều đó có nghĩa là chúng tôi muốn nhắc tới nhiều loại di sản khác nhau. Không chỉ là di sản văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật mà còn cả di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học”, bà Frédérique Horn nói. Cũng chính vì thế, dự án Chia sẻ và gìn giữ di sản VN bà giới thiệu chiều 9.5 tại Đại sứ quán Pháp (Hà Nội) là để bảo tồn cả di sản văn hóa lẫn thiên nhiên VN. Dự án ra đời theo cam kết chung giữa 2 nước ký tại Paris vào tháng 11.2021, trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Cù Lao Chàm là một di sản thiên nhiên quý

Mạnh Cường

Dự án gồm 3 hợp phần lớn. Hợp phần thứ nhất: Tập huấn chuyên môn cho đội ngũ công tác trong ngành bảo tàng ở VN. Hợp phần thứ hai: Phát triển các chương trình đào tạo về ngành nghề bảo tàng trong các trường đại học ở VN. Trong đó, có những ngành nghề mới trong lĩnh vực này như bảo quản các bộ sưu tập xây dựng nội dung trưng bày, bài trí không gian trưng bày, truyền đạt nội dung và đón tiếp công chúng. Hợp phần thứ ba: Hỗ trợ thiết kế các dự án thí điểm trong bảo tồn di sản tại 3 miền của VN. Đó là cải tạo Trung tâm du khách của Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), hỗ trợ Trung tâm truyền thông và giáo dục môi trường của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), thiết kế và thực hiện những chiếc “hộp kể chuyện” của các bảo tàng TP.HCM.

Bà Frédérique Horn cho biết, dự án có giá trị 18 tỉ đồng. Trong đó, chính phủ Pháp chi 14 tỉ đồng, các cơ quan khác đóng góp về chuyên môn 4 tỉ đồng. Dự án này kéo dài từ năm 2022 - 2024.

Về việc phát triển các nghề mới trong lĩnh vực bảo tàng, bà Frédérique Horn cho biết: “Ở VN chỉ có 5/290 trường đại học có khóa học liên quan đến bảo tàng. Mục tiêu của chúng tôi là đưa thêm các ngành học mới vào các trường đại học đối tác, bên cạnh đó cũng xuất bản thêm giáo trình”. Trong khi đó, chiếc hộp kể chuyện là sự “chuyển giao” ứng dụng bảo tàng mới của TP.Lyon tới TP.HCM, đây là 2 TP kết nghĩa. Chiếc hộp này có thể di chuyển giữa các bảo tàng, trong đó có một hiện vật với những câu chuyện liên quan. Khách vào hộp sẽ được nghe câu chuyện đó và bảo tàng sở hữu nó.

Di sản thiên nhiên bền vững

Các dự án nhỏ liên quan đến di sản thiên nhiên đều có sự tham gia của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Pháp. Tại Vườn quốc gia Cúc Phương, mục tiêu của dự án là tạo ra nội dung thuyết minh cho Trung tâm du khách để họ hiểu đa dạng sinh học ở Cúc Phương, các chương trình giáo dục tự nhiên cho trẻ em. Ngoài ra, còn xây dựng biển chỉ dẫn để tiếp cận tốt hơn. Tại Cù Lao Chàm (Quảng Nam), một dự án trưng bày để truyền thông giáo dục cũng được thực hiện. “Tại sao chúng tôi nhấn mạnh giáo dục di sản trẻ em, tại Pháp qua các hoạt động các bạn trẻ dễ tiếp thu kiến thức, sau đó họ quay lại giáo dục con họ. Cha mẹ sẽ tạo ra môi trường để con hiểu di sản hơn”, bà Frédérique Horn nói.

Ông Denis Duclos, Giám đốc đối ngoại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Pháp, cho biết các chuyên gia đã bắt đầu khảo sát Cù Lao Chàm và Cúc Phương. “Bảo tàng sẽ giúp lên ý tưởng thiết kế công trình cũng như thiết kế và lên ý tưởng nội dung trình bày”, ông Denis Duclos nói. Ông cũng cho biết, các chuyên gia sẽ lưu ý việc nên kiểm đếm, ngưỡng khách tham quan đến các di sản... để di sản có thể được khai thác và bảo tồn bền vững.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.