Pháp đối mặt khủng hoảng an ninh nội địa

10/01/2015 09:00 GMT+7

(TNO) Đã có ít nhất 5 vụ bắn giết xảy ra chỉ sau 2 ngày tại Pháp. Gióng hồi chuông báo động cho quốc gia này về tình hình chống khủng bố. Sâu hơn, các mâu thuẫn xã hội đã làm gia tăng áp lực kiểm soát dân số, sắc tộc cho chính quyền.

(TNO) Đã có ít nhất 5 vụ bắn giết xảy ra chỉ sau 2 ngày tại Pháp. Nó gióng hồi chuông báo động cho quốc gia này về tình hình chống khủng bố. Sâu hơn, các mâu thuẫn xã hội đã làm gia tăng áp lực kiểm soát dân số, sắc tộc cho chính quyền.

>> Nghi phạm thảm sát Charlie Hebdo được Al Qaeda huấn luyện

Nước Pháp phải lo lắng vì những vụ nổ súng liên hoàn sau Charlie Hebdo - Ảnh: AFPNước Pháp phải lo lắng vì những vụ nổ súng liên hoàn sau Charlie Hebdo - Ảnh: AFP
Tổng thống Pháp Francois Hollande, người lập tức đến hiện trường vụ thảm sát 12 người ở tạp chí Charlie Hebdo, đã kêu gọi chọn ngày 8.1 là ngày quốc tang. Tuy vậy, đây là lúc nên nói về tương lai, vì tình hình ở Pháp không đơn giản chỉ là một vụ thảm sát cực đoan thông thường.

Giai đoạn chết chóc

Chỉ trong vòng vài ngày từ 7.1 đến 9.1, nước Pháp liên tục bị bao trùm bởi những tin tức tang thương. Trong lúc 12 nạn nhân trong vụ thảm sát ở tạp chí Charlie Hebdo còn chưa an nghỉ, đã xuất hiện thêm 2 vụ nổ súng khác tại Paris, tiếp tục cướp đi tính mạng nhiều người. Và trong đợt truy quét các nghi phạm, cũng lại có thương vong xảy ra.

Các cuộc điều tra vẫn chưa có kết quả sau cùng, rằng liệu các cuộc tấn công có liên quan đến nhau hay không. Thế nhưng điều đáng chú ý trước hết nằm ở chỗ: Tại sao tất cả lại đến với khoảng thời gian san sát nhau như vậy?

Ngoài các vụ ở Paris, Pháp còn rúng động bởi 2 vụ nổ súng khác tại Le Mans và tiệm bánh ở Villefranche-Sur-Saone.

 Bạo lực bùng phát tại Pháp những ngày qua - Ảnh: Reuters Bạo lực bùng phát tại Pháp những ngày qua - Ảnh: Reuters
Sự bùng nổ lần này không phải điều gì đó quá xa lạ với chính quyền Pháp. Thời điểm Giáng Sinh vừa qua, Pháp đã báo động an ninh khủng bố khi hàng loạt vụ “tai nạn” và chết người mang bóng dáng khủng bố.

Cụ thể trong vụ “xe điên” tại Dijon làm bị thương 11 người, tài xế lái xe đâm vào nhóm người đi bộ đã hét lên “Thượng đến quyền năng” trong tiếng Ả Rập (nguyên văn là “Allabu Akbar”). Chi tiết này y hệt vụ cảnh sát bắn chết một người đàn ông tấn công bằng dao nhằm vào cảnh sát và hét to khẩu hiệu ấy tại Tours. Còn vụ tại Nantes trong giai đoạn ấy cũng là “xe điên”.

Báo động an ninh, báo động xã hội

Dù là vô tình hay cố ý, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng đã xuất hiện ít nhất 8 vụ việc chấn động nước Pháp, khi nạn nhân cũng là dân thường, là cảnh sát, nhà báo... Điều đó nói lên rằng, việc nước Pháp bị tổ chức khủng bố al-Qaeda “nhắm” không phải chuyện trên trời, và sâu hơn, chính quyền phải có động thái mới trước tình hình sắc tộc tại quốc gia này.

Trong bài viết ngày 9.1, tờ The Economist nói rằng câu hỏi lớn lúc này là tại sao các cuộc tấn công liên tiếp lại diễn ra ở một nước vốn có hệ thống tình báo và an ninh chống khủng bố mạnh mẽ như vậy.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls hồi tháng 12.2014 từng mạnh miệng tuyên bố “nước Pháp không bao giờ phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố lớn hơn nữa”, thì bây giờ đã có hàng loạt vụ như vậy xảy ra. Sau đó, chính ông Valls cũng thừa nhận các nghi phạm vừa qua đã “được theo dõi và không bị nghi ngờ gì”.

 Ông Manuel Valls có còn lạc quan? - Ảnh: Reuters Ông Manuel Valls có còn lạc quan? - Ảnh: Reuters
Trên thực tế sở dĩ người ta đòi hỏi ở nước Pháp nhiều hơn vì 2 lý do sau:

Thứ nhất, khủng bố tại Pháp là chuyện không phải hiếm. Từ các vụ đổ máu vì nền độc lập của Algeria, nước trước đó là thuộc địa Pháp, đã dẫn đến vụ đánh bom chết 8 người năm 1995. Cách đây 5 năm, Pháp từng gây tranh cãi khi ra đạo luật cấm dùng khăn trùm đầu che mặt cũng vì lo ngại tổ chức Hồi giáo cực đoan.

Thứ hai, Pháp là nước có cộng đồng Hồi giáo đông đảo nhất khu vực Tây Âu theo thống kê gần nhất được BBC dẫn ra, chiếm khoảng 5-10 % dân số. Với một đất nước như vậy và luật pháp kiểm soát chặt chẽ như vậy, mâu thuẫn không khó để bùng phát.

Cũng theo The Economist, mối lo lớn tại Pháp nằm ở số lượng thanh niên trở về sau khi gia nhập lực lượng thánh chiến ở Syria và Iraq. Một trong số đó là Mehdi Nemmouche, một người Pháp, đã giết 4 người khác tại một bảo tàng Do Thái ở Brussels, Bỉ, hồi năm ngoái.

Trên tất cả, các thảm kịch quốc gia như vừa qua phải cần rất nhiều thời gian để nguôi ngoai. Nó sẽ đặt dấu ấn tồi tệ vào tâm thức của công dân Pháp trong thời gian dài, và càng như thế, mâu thuẫn giữa người Pháp chính gốc và người Pháp theo đạo Hồi hoặc không phải dân bản xứ càng sâu sắc. Điều này chỉ càng đào sâu thêm mâu thuẫn, và từ mâu thuẫn sẽ lại sinh thêm mâu thuẫn mà thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.