Pháp ký ban hành luật gây tranh cãi về chế độ nghỉ hưu

16/04/2023 09:09 GMT+7

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 15.4 đã ký ban hành luật gây tranh cãi liên quan đến chế độ hưu trí, qua đó chính thức nâng tuổi hưu từ 62 lên 64, sau khi nhận được sự chấp thuận từ Hội đồng Hiến pháp.

Đây là thắng lợi quan trọng của nhà lãnh đạo trong bối cảnh phong trào biểu tình rầm rộ suốt nhiều tháng qua đã trở thành thách thức lớn nhất đối với ông trong nhiệm kỳ 2.

Pháp ký ban hành luật gây tranh cãi về chế độ nghỉ hưu - Ảnh 1.

Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra để phản đối luật mới về tuổi hưu

Reuters

Theo AFP, Hội đồng Hiến pháp gồm 9 thành viên của Pháp ngày 14.4 kết luận hầu hết các nội dung chủ chốt trong dự luật cải cách chế độ hưu trí mà chính quyền Macron đề xuất là hợp hiến, bao gồm việc nâng tuổi hưu và tăng số năm làm việc tối thiểu để được hưởng lương hưu đầy đủ. Sáu đề xuất nhỏ hơn bị bác, bao gồm việc bắt buộc các công ty công khai số lượng lao động trên 55 tuổi, cũng như tạo ra một hợp đồng đặc biệt cho lao động lớn tuổi.

Biểu tình lập tức bùng nổ ở Paris và nhiều thành phố lớn khác ngay khi quyết định của Hội đồng Hiến pháp được công bố, trong đó bạo lực đã xảy ra ở một số nơi. Các công đoàn đã ra một tuyên bố chung kêu gọi ông Macron không ký ban hành luật, nói vấn đề "chưa kết thúc". Họ cũng cảnh báo về việc tổ chức các cuộc tuần hành tập thể vào ngày 1.5.

Cảnh sát tiếp tục trấn áp người biểu tình bạo lực chống cải cách lương hưu ở Pháp

Trong khi nhiều nước láng giềng đã nâng tuổi hưu lên ngưỡng 65, các cuộc thăm dò dư luận tại Pháp cho thấy đa số người dân phản đối những thay đổi trong chế độ hưu trí, khiến tỷ lệ ủng hộ ông Macron rơi xuống mức thấp kỷ lục. Ngọn lửa giận dữ càng bùng phát dữ dội sau khi chính phủ quyết định "qua mặt" quốc hội để thông qua dự luật bằng cách sử dụng một quy định trong hiến pháp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.