Pháp luật quy định thế nào về 'thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động'?

24/09/2023 10:52 GMT+7

Công ty muốn giảm nhân sự theo diện thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, xin hỏi hiện nay pháp luật quy định thế nào về việc này và người lao động cần lưu ý gì để đảm bảo quyền lợi của bản thân?

Thắc mắc về các quy định liên quan việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động này của chị Nguyễn Kiều Oanh (ngụ TP.HCM), bạn đọc Báo Thanh Niên.

Luật sư tư vấn

Theo luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động là việc thỏa thuận chấm dứt các điều khoản trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các bên (người sử dụng lao động và người lao động) trong quan hệ lao động được quy định cụ thể trong hợp đồng lao động.

Thông thường thỏa thuận này xảy ra khi các bên muốn chấm dứt mối quan hệ lao động trước thời hạn quy định trong hợp đồng.

Pháp luật quy định thế nào về 'thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động'? - Ảnh 1.

Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng thường diễn ra khi các bên muốn chấm dứt mối quan hệ lao động trước thời hạn quy định trong hợp đồng

NHẬT THỊNH

Trong đó, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Như vậy, đây là một sự thỏa thuận trước khi ký hợp đồng, đáp ứng yêu cầu quan trọng nhất của một hợp đồng là sự tự nguyện của các bên. Hai bên có quyền đàm phán để loại bỏ hoặc chấp nhận điều khoản. Do đó, thỏa thuận này có giá trị pháp lý bởi vì được đồng ý bởi cả người lao động và người sử dụng lao động.

Lưu ý quyền lợi gì?

Luật sư Trương Văn Tuấn cho biết, nếu bị chấm dứt hợp đồng theo diện thỏa thuận này, người lao động cần lưu ý:

Thứ nhất, khi hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo khoản 3 điều 34 bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc nếu người lao động đã làm việc đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Tiền lương để tính là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

Pháp luật quy định thế nào về 'thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động'? - Ảnh 2.

Người lao động được nhận trợ cấp thôi việc khi bị thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động

NHẬT THỊNH

Thứ hai, người lao động cần xem các khoản tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động người sử dụng lao động đã thanh toán đủ chưa.

Ngoài ra giữa các bên có thể thoả thuận các khoản hỗ trợ khác ngoài các khoản thoả thuận trong hợp đồng lao động, theo quy định pháp luật.

Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ một số trường hợp nhưng tối đa không quá 30 ngày.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động.

Đồng thời, cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu.

Thông báo với người lao động 30 ngày trước khi cho thôi việc

Theo khoản 6, điều 42 bộ luật Lao động 2019, khi người sử dụng lao động cho thôi việc trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế thì chỉ cho thôi việc đối với người lao động sau khi đã trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên và thông báo trước 30 ngày cho UBND cấp tỉnh và cho người lao động.

Ngoài ra, người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình sử dụng lao động và danh sách tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể là báo dừng tham gia BHXH kể từ tháng người lao động không làm việc, không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng và báo giảm lao động tham gia BHXH kể từ tháng chấm dứt hợp đồng lao động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.