Pháp luật vì dân

06/06/2018 03:56 GMT+7

Quốc hội khóa 13 có một niềm tự hào trong lập pháp, là đã giải quyết một khối lượng công việc đồ sộ nhất, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử - xây dựng, thông qua trên 100 luật, bộ luật.

Nhưng Quốc hội khóa 13 cũng có một cú vấp chưa từng có tiền lệ trong lịch sử là thông qua một bộ luật hệ trọng thứ tư, thứ năm trong hệ thống pháp luật - bộ luật Hình sự, mà chưa có hiệu lực đã phải ngưng để sửa, vì phát hiện ra hàng trăm lỗi. Đó là một bài học với các nhà lập pháp, vì trong đó có những lỗi rất sơ đẳng.
Với “hành trang” được kế thừa từ tiền nhiệm, Quốc hội khóa 14 ngay từ những kỳ họp đầu tiên cũng đã có những bước đi thận trọng trong lập pháp. Tại kỳ họp thứ 2, hơn 90% đại biểu khóa 14 được phát phiếu lấy ý kiến đã nhất trí chưa vội thông qua 2 dự án luật: luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật Hình sự 2015 và luật về Hội.
Từ dự kiến ban đầu là chỉ chỉnh sửa những lỗi “kỹ thuật”, chưa tới 20 điều, những điều khoản sửa đổi trong bộ luật Hình sự đã “loang” ra đến 141 điều, và chính Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị nên sửa căn cơ, toàn diện dự án luật thay vì chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều.
Sau khi phát phiếu lấy ý kiến đại biểu về những điều còn tranh cãi, thêm thời gian thảo luận ở hội trường mà vẫn chưa thống nhất, Quốc hội đã thêm hẳn một buổi làm việc vào ngày nghỉ để bàn về luật này, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và sự có mặt của hầu hết bộ trưởng, trưởng ngành.
Dù chưa thỏa mãn được hết các ý kiến, trong đó có cả ý kiến của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, nhưng chính sách hình sự cũng đã thành hình khi được thông qua vào kỳ họp thứ 3.
Còn dự án luật về Hội đến nay vẫn “bặt vô âm tín”. Tuy nhiên, nhiều người không lấy đó làm buồn, bởi thiết kế luật chưa chín muồi, chưa tạo được những khuôn khổ pháp lý tốt hơn, thì thà để đó. Thực chất, luật về Hội đã được “nâng lên, đặt xuống” hơn 1/4 thế kỷ, cho thấy không có một hạn định nào về việc phải thông qua cho có, khi chưa hài lòng về chất lượng.
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đang đối mặt với một số dự án luật còn nhiều ý kiến khác nhau, không chỉ trong các đại biểu, mà còn trong dư luận xã hội. Nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về việc nên có ứng xử thận trọng với các dự án này, nên phát phiếu lấy ý kiến.
Đại biểu kỳ cựu Dương Trung Quốc còn khuyến nghị nên lấy phiếu kín để các đại biểu được tự do biểu đạt quan điểm, giải thoát họ khỏi những “ràng buộc về tổ chức, về lợi ích, và cả về nhận thức”, để trung thực với tâm thức mình và có quyết định đúng đắn nhất với cương vị đại diện cho quyền lợi của cử tri, tức là quyền lợi của số đông. Vì dân là cái gốc của mọi đạo luật!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.