Pháp lý khơi thông, dự án 'sống lại'

07/02/2025 05:50 GMT+7

Pháp lý khơi thông, sự quyết liệt của lãnh đạo chính quyền trong thực hiện công cuộc "Chống lãng phí" mà Tổng Bí thư phát động đã giúp hàng loạt dự án khởi động trở lại sau hàng thập niên dở dang, bất động.

Nhiều dự án hồi sinh sau hàng thập niên "đứng hình"

Sáng qua (6.2), Công ty Tân An Huy, chủ đầu tư dự án Tân An Huy (H.Nhà Bè, TP.HCM), đã làm lễ khởi công trở lại hệ thống hạ tầng dự án sau 2 thập niên bất động. Theo đó, các hạng mục của dự án Tân An Huy được khởi công lần này gồm: hệ thống đường giao thông, hệ thống cống thoát nước, cây xanh, hệ thống chiếu sáng và bờ kè. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành sau 36 tháng, tức vào ngày 6.2.2028.

Pháp lý khơi thông, dự án 'sống lại'- Ảnh 1.

Dự án Tân An Huy khởi công trở lại sau 20 năm đứng hình

ẢNH: ĐÌNH SƠN

Ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Tân An Huy, cho biết dự án đã xây dựng được khoảng 30% khối lượng công việc, nhưng sau đó phải dừng lại khi Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Tân An Huy mất vào năm 2017. Cùng với việc Thanh tra TP.HCM chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án như nợ thuế 216 tỉ đồng, 14 căn nhà đã xây dựng không phép sai quy hoạch, dự án đền bù chưa xong, chưa hoàn thiện hạ tầng...; dự án bị dở dang và bất động suốt nhiều năm qua.

"Hiện doanh nghiệp (DN) đã có phương án tốt, đảm bảo đủ khả năng tài chính để tiếp tục thực hiện và hoàn thành dự án, thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước; đảm bảo quyền và lợi ích của khách hàng đúng quy định của pháp luật. UBND H.Nhà Bè cũng đã có văn bản báo cáo Thanh tra TP.HCM xem xét trình UBND TP.HCM cho chúng tôi tiếp tục thực hiện dự án. Công ty cam kết sẽ hoàn thành dự án nhà ở này trong thời hạn 36 tháng, khắc phục hoàn toàn những sai phạm, triển khai dự án đúng quy định của pháp luật nếu UBND TP.HCM cho phép DN được hoạt động trở lại", ông Nguyễn Hồng Hải khẳng định và mong muốn chính quyền TP.HCM sẽ tạo điều kiện để ban lãnh đạo mới hoàn thiện dự án.

Một dự án khác nằm bất động suốt 28 năm qua cũng đã đón nhận tin vui từ chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc của UBND TP.HCM là khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (TP.Thủ Đức). Cụ thể, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đã chỉ đạo các sở, ngành theo chức năng và nhiệm vụ giải quyết kiến nghị của Công ty địa ốc 10 là cho phép dự án được điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500. Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng chỉ đạo Thanh tra Thành phố khẩn trương rà soát, báo cáo kết quả thực hiện nội dung kết luận Thanh tra số 29 từ năm 2017, với thời hạn hoàn thành trước ngày 15.2.2025.

Được biết dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc có quy mô 82 ha, được phê duyệt từ năm 1997. Dù dự án vẫn chưa xong hạ tầng, thậm chí chưa đền bù xong, thế nhưng chủ đầu tư đã ký hợp đồng với hàng loạt công ty khác để phân lô bán nền, huy động vốn từ khách hàng... Hậu quả là hàng chục năm qua người dân mua đất tại đây liên tục khiếu kiện khắp nơi vì hạ tầng chưa xong, khu dân cư nhếch nhác; khách hàng đã xây nhà từ rất lâu nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Việc TP.HCM tháo gỡ những vướng mắc lâu nay đã mở ra cơ hội cho dự án sớm được hoàn thành, người dân có đất được xây nhà, được cấp sổ đỏ để ổn định cuộc sống.

Theo báo cáo từ Sở Xây dựng TP.HCM, trong tổng số 220 dự án vướng mắc về pháp lý đã có 77 dự án được "khơi thông", và công cuộc tháo gỡ ách tắc này vẫn đang được triển khai quyết liệt trong thời gian tới.

Vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp chính quyền

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM, nhận xét: Một trong những điểm nghẽn lớn nhất của thị trường BĐS là pháp lý thì đến nay cơ bản đã được tháo gỡ nhờ nhiều bộ luật được ban hành, trong đó có 3 bộ luật quan trọng là luật Đất đai, luật Nhà ở và luật Kinh doanh BĐS. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành 16 nghị định hướng dẫn thi hành 3 bộ luật trên; thành lập 2 tổ công tác và 1 ban chỉ đạo để tháo gỡ vướng mắc về đất đai, nhà ở. Các địa phương cũng vào cuộc quyết liệt hơn trong việc tháo gỡ vướng mắc cho DN. 

Thế nên bước đầu đã có những tín hiệu khả quan. Đơn cử tại TP.HCM là định giá đất để tính tiền sử dụng đất bổ sung tại các dự án nhà ở thương mại đã được khơi thông, từ đó đã có 71.000 căn nhà được cấp sổ đỏ cho người mua nhà. Không chỉ vậy, việc tiếp cận quỹ đất của DN để phát triển nhà ở thương mại cũng thông thoáng hơn khi Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm cho DN có đất không phải là đất ở được mua các loại đất khác để làm nhà ở thương mại... Chính những rào cản về pháp lý được tháo gỡ nên đến nay hàng loạt DN đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Dù thị trường vẫn chưa hết "chông gai" nhưng ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS VN, khẳng định: Thời gian qua đã có sự chỉ đạo quyết liệt từ những người đứng đầu Đảng và Chính phủ ở khắp các mặt trận. Mới đây nhất là Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo tháo gỡ cho quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và kéo dài; đồng thời tháo gỡ các điểm nghẽn đối với thị trường BĐS, thị trường vốn, nhất là trái phiếu DN để tăng nhanh nguồn cung. Điều này đã tạo nên những hiệu quả tích cực trong thực thi công vụ của cán bộ công chức ở các địa phương, vốn được xem là rào cản, là vướng mắc rất lớn DN rất khó vượt qua.

Là chủ một DN, cũng là Phó chủ tịch Hội DN TP.HCM, ông Lê Hữu Nghĩa đánh giá quy định tại các luật mới gồm đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS đã tạo "hiệu ứng domino", giải quyết những vướng mắc lâu nay của các dự án địa ốc. Khi các luật mới có hiệu lực, nhà ở xã hội cũng được tháo gỡ về pháp lý khi cho phép chủ đầu tư được miễn các thủ tục xác định giá, tiền sử dụng, thuê đất, giúp gỡ vướng mắc cho các dự án phân khúc này. Cùng với đó, việc chú trọng đầu tư dự án phân khúc nhà ở trung bình sẽ giúp thị trường địa ốc hồi phục vào năm 2026. Các quy định của pháp luật đã rõ ràng sẽ bảo vệ được những người thực thi công vụ an tâm hơn, mạnh mẽ hơn trong quá trình xử lý những vướng mắc về pháp lý tồn tại nhiều năm qua. 

Điều này giúp nhiều dự án được gỡ vướng, giúp DN sớm hoàn thiện thủ tục và triển khai trở lại. Các dự án được khơi thông không chỉ giúp thúc đẩy thị trường BĐS mà còn góp phần phát triển hạ tầng đô thị, cải thiện đời sống của người dân. Đây là một trong những động thái thể hiện quyết tâm của chính quyền TP.HCM trong việc đồng hành cùng DN, giải quyết các rào cản về thủ tục hành chính. "Việc lãnh đạo TP.HCM liên tục rà soát, điều chỉnh các chính sách, cũng như chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành vào cuộc cho thấy cam kết mạnh mẽ trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho DN, đảm bảo quyền lợi của người dân và thúc đẩy sự phát triển KT-XH", ông Nghĩa nhấn mạnh. 

DN luôn mong muốn phục hồi và phát triển bền vững để đóng góp vào kỷ nguyên mới của đất nước. Muốn làm được điều này, chính quyền phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt, dám nói dám làm, không để tình trạng "nhìn nhau" khi luật đã rõ. Đơn cử, TP.HCM đã thành lập tổ công tác thì cần sớm rà soát lại khâu đất đai, quy hoạch để chỉ đạo sở, ngành tham mưu cấp chủ trương đầu tư nhanh chóng cho dự án đủ điều kiện. Hiện nay các đơn vị tư vấn ngại định giá đất, nên có giải pháp để các đơn vị này an tâm tham gia. Khi đó việc tính tiền sử dụng đất mới nhanh được. Vì hoàn thành nghĩa vụ tài chính, dự án mới đi tiếp các bước tiếp theo. Cuối cùng là cần linh hoạt cho các dự án đang "trùm mền" được tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

Ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.