Tăng ngày sử dụng, định mức theo bậc thang tăng
Sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh dài ngày, sáng 5.9, nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên phản ánh hóa đơn tiền điện tháng 8 tăng vọt gấp 2-3 lần. Bà Nguyễn Tú Anh (ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết tiền điện nhà bà từ 281 kWh/tháng, nay vọt lên 516 kWh. "Tháng cao điểm nhất cũng khoảng 600.000 đồng, nay lên 1,184 triệu đồng. Không biết từ đâu ra".
Tương tự, bà B.Nguyễn (Q.7) phản ánh bình thường đến ngày 19 hằng tháng là chốt đóng tiền điện, nhưng tháng vừa rồi đến ngày mà bà không nhận được tin nhắn thông báo đến kỳ thanh toán tiền điện. Ngày 2.9 bà hỏi để đóng cước tiền điện lại được báo không nợ cước. Đến hôm nay (5.9), bà tá hỏa khi nhận thông báo tiền điện lên tới 3,01 triệu đồng. "Bình thường, tháng nóng cao điểm nhất cũng chỉ 1,8 triệu là cùng, chưa bao giờ hóa đơn tiền điện gia đình vượt mức 2 triệu đồng mỗi tháng", bà Nguyễn nói. Bà Linh (P.Phú Hữu, TP.Thủ Đức) cũng đồng cảnh ngộ khi tiền điện phải đóng giữa tháng 8, nay chuyển sang đóng cuối tháng, từ mức 2 - 2,4 triệu đồng đã nhảy lên 4,5 triệu đồng.
Trên các diễn đàn cư dân các quận, huyện ở TP.HCM, nhiều người bày tỏ bức xúc vì hóa đơn tiền điện từ sau kỳ nghỉ lễ phải đóng quá cao. Đa số cho biết tăng gấp đôi số tiền đóng tháng trước.
Chiều 5.9, ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), cho biết hiện tổng công ty đã cơ bản hoàn thành việc thay, gắn công tơ có chức năng đo từ xa cho khách hàng, nên hệ thống sẽ tiến dần đến việc ghi chỉ số điện vào ngày cuối tháng để khách hàng dễ nhớ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện đúng quy định kế toán. Thông thường trước khi thực hiện thay đổi ngày ghi chỉ số, EVNHCMC sẽ thông báo tới khách hàng thời gian thực hiện cụ thể và giải thích chi tiết các thay đổi về sản lượng điện tiêu thụ và tiền điện trong tháng.
Việc tính toán giá điện tuân thủ đúng Thông tư số 16. Cụ thể, một số khách hàng lẽ ra được ghi điện từ ngày 3 - 20.8 và thu tiền trong khoảng từ ngày 6 - 25.8, nhưng được dời về cuối tháng. Thế nên ngày sử dụng điện trong kỳ hóa đơn tháng 8 lẽ ra là 31 ngày thì sẽ tăng thêm từ 11 đến 28 ngày, tương ứng với lịch thanh toán cũng dời về đầu tháng 9. Như vậy, số tiền tương ứng cũng tăng theo vì kỳ này hóa đơn được tính cho 39 - 51 ngày sử dụng điện của khách hàng.
CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 6.9: Giải thích cách tính giá điện mới | Campuchia muốn thành nước thu nhập cao
"Ngành điện khẳng định là đơn giá và định mức bậc thang vẫn không thay đổi, tính đúng theo quy định hiện hành. Đối với khách hàng sử dụng mục đích sinh hoạt thì định mức được tính theo số ngày sử dụng. Ví dụ bậc thang đầu 50 kWh nếu tính đúng ngày ghi điện cũ là 31 ngày, khi dời về 31.8 thì định mức các bậc cũng cộng thêm tương ứng với số ngày sử dụng tăng thêm, định mức theo bậc thang cho khách hàng cũng tăng từng ngày. Có nhiều trường hợp tại bậc 1 và 2, từ 50 kWh/bậc tăng lên 82 kWh, thậm chí lên 90 kWh ở mỗi bậc. Kể từ tháng tiếp theo, khách hàng sẽ được ghi chỉ số công tơ vào ngày cuối tháng. Như vậy, việc thay đổi lịch ghi chỉ số không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng sử dụng điện", ông Bùi Trung Kiên khẳng định và thông tin thêm: Trong kỳ ghi điện vừa qua, toàn TP có 400.000 khách hàng bị thay đổi thời gian ghi điện, chuyển từ các ngày giữa tháng sang cuối tháng. Với 2,6 triệu khách hàng, đến nay việc thay đổi kỳ ghi điện vào cuối tháng đạt 60%, trong thời gian tới EVNHCMC tiếp tục thực hiện lộ trình để tiến tới 100% khách hàng được ghi chỉ số điện vào cuối tháng.
Hóa đơn tiền điện sắp tới sẽ tăng?
Tuy vậy, một số hộ vẫn bày tỏ lo lắng hóa đơn tiền điện đang âm thầm tăng là có thật. Bà Nguyễn Quốc Khánh (Q.12) chia sẻ, theo thông báo nhóm cư dân nhận được thì kỳ ghi hóa đơn tiền điện tháng này tại chung cư được điều chỉnh cộng thêm 16 ngày so với tháng trước, nhưng hóa đơn lại cao gần gấp 2 lần. Tương tự, theo bảng kê chi tiết hóa đơn tiền điện của bà Tú Anh gửi đến, số ngày tính tiền điện 1,184 triệu đồng có cộng thêm 24 ngày, từ ngày 7.7 - 31.8. Tuy nhiên, theo chủ hộ này, thêm 24 ngày hóa đơn lại tăng bằng tiền của 2 tháng.
Đáng nói, nhiều hộ gia đình đã được điều chỉnh ghi chỉ số điện vào những tháng trước, trong tháng 8 hóa đơn tiền điện tròn 30 ngày (3.8 - 3.9) vẫn cao hơn những tháng nắng nóng cao điểm trước. Cụ thể, hóa đơn tiền điện của gia đình bà Minh An (Q.4) trong các tháng nắng nóng cao điểm từ tháng 5 - 7 dao động từ 2,5 - 2,7 triệu đồng, cao hơn những tháng trước đó từ 400.000 - 700.000 đồng, nhưng đến tháng 8 vừa rồi vọt lên 3,2 triệu đồng. Bà Minh An băn khoăn: "Gia đình tôi không rơi vào kỳ điều chỉnh ngày ghi hóa đơn, cũng không phát sinh sử dụng do đã hết mùa nắng, con cái đi học lại từ giữa tháng 8, nhưng hóa đơn tiền điện vẫn cao hơn gần 600.000 đồng. Có phải hóa đơn tiền điện đang âm thầm tăng không?".
Về phản ánh của nhiều khách hàng rằng số ngày ghi chỉ số tăng chưa gấp hai lần nhưng hóa đơn tiền điện lại cao gấp hai, ba lần, thậm chí có những người không thay đổi kỳ ghi chỉ số nhưng tiền điện vẫn tăng, ông Kiên giải thích thêm: Trong thực tế, từ cuối tháng 7 và đầu tháng 8 ở TP.HCM vẫn còn nắng nóng gay gắt, nhiều gia đình có trẻ nhỏ dùng các thiết bị điện nhiều hơn, đẩy hóa đơn tiền điện của các hộ tăng nhẹ. Trong tháng 8, ước sản lượng tiêu thụ điện tại TP.HCM tăng khoảng 3%.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và giá cả (Bộ Tài chính), nhận xét ngành điện và giá điện đang trong giai đoạn khá nhạy cảm. Trước đó, liên quan đề xuất của Bộ Công thương về tính giá bán lẻ điện bình quân cho phép ngành tính thêm các khoản lỗ trước về chênh lệch tỷ giá và lỗ kinh doanh, dư luận cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Theo ông Long, cách lý giải của Điện lực TP.HCM khá hợp lý. Vấn đề người tiêu dùng quan tâm nhất là điều chỉnh ngày ghi chỉ số công tơ điện có khiến điện nhảy bậc không? Nếu số ngày sử dụng tăng thêm, định mức theo bậc thang cho khách hàng cũng tăng hợp lý thì không sao, nếu điều chỉnh khiến người tiêu dùng cảm thấy bị thiệt thòi, ngành phải giải thích, minh bạch thấu đáo. Vấn đề là khi thông báo, giải thích ngày ghi chỉ số điện đến cuối tháng, đa số có tâm lý tăng thêm 30-50%, nay thêm hơn 20 ngày, tăng gấp đôi, tâm lý chung là lo lắng và không thoải mái.
Hơn nữa, chênh lệch nhau ít thì được, chênh lệch hàng trăm ngàn đồng trong giai đoạn thu nhập khó khăn này cũng là bài toán khó cho người dân.
Bình luận (0)