Phập phù giá ớt

12/04/2016 05:46 GMT+7

Giá ớt trái ở H.Phù Mỹ (Bình Định) đang khá cao nên người trồng ớt lãi lớn. Nhưng bên cạnh niềm vui này là nỗi lo giá ớt thiếu ổn định và thường xuyên bị thương lái o ép.

Giá ớt trái ở H.Phù Mỹ (Bình Định) đang khá cao nên người trồng ớt lãi lớn. Nhưng bên cạnh niềm vui này là nỗi lo giá ớt thiếu ổn định và thường xuyên bị thương lái o ép.

Nông dân thu hoạch ớt chỉ thiên ở H.Tây Sơn - Ảnh: Hoàng TrọngNông dân thu hoạch ớt chỉ thiên ở H.Tây Sơn - Ảnh: Hoàng Trọng
Hiện mùa thu hoạch ớt ở H.Phù Mỹ đang rộ, khắp nơi đều thấy nông dân khẩn trương thu hoạch ớt, thương lái đến tận thôn, xóm để tranh nhau thu mua. Theo Phòng NN-PTNT H.Phù Mỹ, năng suất ớt chỉ địa trên địa bàn đạt bình quân 16 tấn/ha, tương đương 800 kg/sào (500 m2). Giá ớt từ nửa cuối tháng 3.2016 đến nay ở mức cao nên nông dân có lãi bình quân khoảng 20 triệu đồng/sào.
“Trồng ớt mà khi bán đúng thời điểm giá cao thì khó có cây trồng cạn nào khác có thể lãi bằng. Tôi xuống giống 7 sào ớt chỉ địa từ tháng 2 năm nay, giờ đã thu hoạch gần xong. Bình quân mỗi sào ớt đầu tư từ khâu làm đất, mua giống, bón phân… đến khi thu hoạch mất khoảng 5 triệu đồng. Tôi bán ớt với giá 30.000 đồng/kg, mỗi sào ớt thu được 24 triệu đồng, lãi ròng 19 triệu đồng. Tổng cộng vụ ớt này tôi lãi hơn 130 triệu đồng chỉ trong 2 tháng”, ông Trần Ngọc Phú (51 tuổi, ở xã Mỹ Hiệp) hồ hởi cho biết.
Trong khi đó, nông dân các xã Bình Tân, Bình Thuận, Bình Hòa (H.Tây Sơn, Bình Định) cũng đang trúng mùa ớt chỉ thiên. Loại ớt này cho thu hoạch làm 3 đợt trong một vụ trồng, năng suất các đợt sau thấp hơn đợt trước và giá bán ớt tại mỗi đợt thu hoạch khác nhau. Sau Tết Bính Thân, giá ớt chỉ thiên tại H.Tây Sơn chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, nông dân không có lãi gì mấy. Sau đó, giá ớt nhích dần. Hiện ớt chỉ thiên đang được bán với giá 20.000 đồng/kg.
“Một sào đất trồng ớt chỉ thiên đầu tư từ đầu vụ đến khi thu hoạch tôi tốn 4 triệu đồng. Trong đợt thu hoạch đầu tiên, tôi hái được gần 5 tạ ớt trái, bán được gần 10 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 6 triệu đồng. Hiện ruộng ớt của tôi đang bắt đầu cho thu hoạch đợt 2, giá vẫn 20.000 đồng/kg nên chắc chắn sẽ có lãi”, ông Huỳnh Văn Đức (ở thôn Thuận Hòa, xã Bình Tân) nói.
Phụ thuộc thị trường Trung Quốc
Theo ông Ngô Đình Ba, Trưởng phòng NN-PTNT H.Phù Mỹ (Bình Định), giá ớt tăng, giảm thất thường luôn là nỗi lo đối với nông dân H.Phù Mỹ. Địa phương này có khoảng 800 - 900 ha trồng ớt, chủ yếu là để bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc. Trước và sau Tết Bính Thân, khi vụ thu hoạch ớt mới bắt đầu, giá ớt chỉ địa được thương lái mua để bán sang Trung Quốc với giá từ 11.000 - 12.000 đồng/kg. Đến cuối tháng 2 rớt thê thảm, chỉ còn khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg, tiền bán ớt không đủ trả tiền thuê người thu hoạch nên nông dân bỏ mặc ớt chín rồi rụng ngoài đồng. Đến cuối tháng 3, giá ớt tăng nhanh, có lúc lên đến 42.000 đồng/kg. Đến đầu tháng 4, giá ớt giảm xuống còn 30.000 đồng/kg và đến ngày 11.4 chỉ còn khoảng 25.000 đồng/kg nhưng vẫn trong xu hướng giảm.
“Nông dân tại Phù Mỹ xuống giống trồng ớt là đã xác định mình đang đánh một canh bạc với thị trường. Do ớt tại đây chủ yếu bán cho thương lái để xuất sang Trung Quốc, địa phương lại không có cơ sở chế biến hay đầu ra nào khác nên giá ớt hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường nước này. Mỗi khi thị trường Trung Quốc nhận hàng thì giá ớt đẩy lên cao, còn không thì giá rớt thê thảm. Chúng tôi luôn khuyến cáo nông dân không nên trồng ớt quá nhiều nhưng diện tích ớt tại địa phương vẫn ngày càng tăng”, ông Ba nói.
Tư thương hè nhau ép giá
Theo ông Đào Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa, người dân trong xã trồng hơn 25 ha ớt chỉ thiên đang đến mùa thu hoạch. Hồi cuối tháng 3 năm nay, thương lái ở Tây Sơn mua 17.000 - 18.000 đồng/kg ớt chỉ thiên, nông dân thấy có lãi nên tranh nhau bán. Sau đó, một vài người dò hỏi mới biết giá ớt chỉ thiên ở H.Phù Mỹ đã lên đến hơn 20.000 đồng/kg nên hái gom khoảng 1 - 2 tạ chở ra Phù Mỹ bán, trừ tiền xăng còn dư khoản chênh lệch 400.000 - 500.000 đồng/chuyến đi. Nhờ vậy, thương lái mới nâng giá thu mua ớt ở H.Tây Sơn lên bằng H.Phù Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.