Phập phù mạng di động

31/01/2018 07:38 GMT+7

Dù chưa đến cao điểm dịp Tết Nguyên đán nhưng mạng di động những ngày qua đã chập chờn khiến nhiều người dùng mất thời gian, tốn tiền bạc để duy trì liên lạc.

Tốn tiền, tăng phiền phức
Chị Phụng, chủ thuê bao số 016881… ngụ tại Q.7 (TP.HCM), cho biết trong vài tuần qua, chị liên tục bị mất liên lạc khi sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ). Nhiều khách hàng, người quen cũng than phiền nhiều lần gọi chị không được. Rất nhiều lần, chị nhận được cuộc gọi nhưng không nghe được, buộc chị phải ngắt ngang và gọi lại thì mới nghe nói bình thường. Thậm chí có nhiều cuộc gọi đang diễn ra thì bị ngắt kết nối. Chưa hết, hiện tượng thường xảy ra là khi gọi cho một số người thì cuộc đầu tiên chỉ nhận được tín hiệu “tò tí te” và thông báo không liên lạc được; hoặc phía người nghe nhấc máy nhưng không nghe được bên kia nói. Đến cuộc gọi thứ hai ngay sau đó thì mới trở lại bình thường. Tình trạng này lặp lại khá nhiều lần khiến chị Phụng bức xúc. “Lúc đầu mới gặp kiểu vậy tôi cứ nghĩ điện thoại bị hư. Một số lần tôi lấy sim gắn qua máy điện thoại khác nhưng vẫn bị sự cố tương tự. Việc này rất mất thời gian... Trong trường hợp có việc quan trọng thì bị ảnh hưởng, thiệt hại đáng kể...”, chị Phụng nói.
Anh Kha, chủ thuê bao số 0908... cũng chia sẻ gần đây anh liên tục rơi vào tình trạng bị ngắt quãng giữa chừng khi đang sử dụng điện thoại hoặc gọi thì không nghe được tín hiệu gì. Có lúc người gọi liên lạc với anh cả buổi vẫn không có tín hiệu. Gần nhất, vào cuối tuần qua, anh gọi nhiều cuộc điện thoại cho vợ nhưng không được. Sau khi bị trách móc, vợ anh khẳng định không nhận bất kỳ cuộc gọi nào. Lúc đầu tưởng do sóng yếu nhưng khi anh đặt 2 chiếc điện thoại nằm cạnh nhau rồi gọi thử lại thì điện thoại của vợ anh vẫn không có tín hiệu. "Dù trong tòa nhà sóng có yếu hơn khi ra ngoài nhưng đến mức điện thoại hai người ở sát nhau vẫn không bắt được tín hiệu thì quá vô lý. Chắc chắn hệ thống phải có vấn đề. Tình trạng này kéo dài khiến cả người nghe lẫn người gọi đều cảm thấy phiền hà, gây cản trở cho công việc", anh Kha nhận xét.
Trường hợp anh Nguyễn Sơn, chủ thuê bao số 0919…, cho biết anh gặp phải vấn đề này từ tháng cuối năm 2017. Cả chiều gọi đi và nhận cuộc gọi đều không có tín hiệu. Nhưng nhiều nhất là đang nói chuyện thì bị tắt máy. Thậm chí có ngày nhiều người gọi cho anh thì nhận được thông báo “thuê bao không liên lạc được” trong khi đó máy vẫn mở 24/24 và anh đang ở nội thành TP.HCM. Thỉnh thoảng, anh Sơn lại nhận được tin nhắn thông báo có vài cuộc gọi nhỡ nhưng trước đó hoàn toàn không thấy cuộc gọi đến. Lúc đầu anh Sơn cũng nghĩ sóng di động bị yếu trong một khu vực nhỏ nhưng sự việc xảy ra liên tục. “Nếu bình thường, câu chuyện trao đổi chỉ vài câu là xong, nhưng do mạng chập chờn nên nói mãi vẫn không xong. Thậm chí khi gọi lại phải nói từ đầu làm tốn nhiều thời gian. Điều này đồng nghĩa với việc phải tốn tiền cước nhiều hơn. Trong tháng 12 tôi phải thanh toán lên 2,8 triệu đồng cước phí trong khi các tháng trước chỉ xoay quanh mức 1,5 triệu đồng. Vừa tốn tiền lại thêm bực mình”, anh Sơn bức xúc.
Người dùng “nắm dao đằng lưỡi”
Quá khó để chứng minh được vì sao bị ngưng giữa chừng cuộc gọi. Cũng như sẽ có vô số lý do để giải thích cho việc cước điện thoại trong tháng đó tăng hơn tháng trước… Người dùng chỉ có giải pháp duy nhất là đổi sang mạng khác nếu không hài lòng với chất lượng dịch vụ của nhà mạng đang sử dụng
Luật sư Trương Thanh Đức
Trả lời PV Thanh Niên về hiện tượng khách hàng phản ánh, 3 nhà mạng lớn gồm Vinaphone, Viettel và MobiFone đều cho biết không có sự cố kỹ thuật nào xảy ra trong thời gian gần đây. Sóng di động của các nhà mạng vẫn đang thông suốt và nhà mạng không nhận được khiếu nại từ khách hàng. Trong khi đó, các khách hàng đã gặp sự cố cho biết họ không khiếu nại nhà mạng vì “không có kết quả gì”, còn gọi tổng đài thì chỉ nhận được câu trả lời chung chung.
Tuy nhiên, một nhân viên kỹ thuật mạng viễn thông tại TP.HCM chia sẻ: thông thường, hiện tượng máy vẫn bật và đang trong vùng phủ sóng nhưng gọi vào không có tín hiệu có thể là do lỗi kết nối, sự cố đường truyền. Lỗi này thường xảy ra khi gọi ngoại mạng. Còn một số trường hợp khách hàng gọi nội mạng mà vẫn bị sự cố “không liên lạc được” thì là do sóng di động tại khu vực người nhận cuộc gọi quá kém. Việc các tòa nhà cao tầng ngày càng mọc lên nhiều cũng ảnh hưởng xấu tới chất lượng sóng di động. Trong những ngày cao điểm khi lượng người sử dụng di động gia tăng hoặc dùng mạng 3G, 4G để gửi hình, phát video như trong trận chung kết U.23 vừa qua thì một số khu vực có xảy ra chập chờn do quá tải. Hơn nữa, hiện nay các nhà mạng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống 4G nên cũng sẽ tác động đến mạng lưới…
Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, dù phân tích theo hướng nào thì đây cũng là lỗi của các nhà mạng vì không đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Tuy nhiên, ở VN từ trước đến nay, khách hàng luôn là người chịu thiệt vì chỉ “nắm dao đằng lưỡi”. Hơn nữa, ở VN hiện nay vẫn chưa có cơ chế giám sát chất lượng dịch vụ của các nhà mạng. Trong khi cơ quan bảo vệ người tiêu dùng không đủ mạnh trong các hoạt động tập hợp thông tin để thay mặt khiếu kiện đơn vị cung cấp dịch vụ, nhất là liên quan đến mạng di động. Việc bị gián đoạn liên lạc rõ ràng gây ảnh hưởng đến công việc của rất nhiều người, tốn tiền và mất thời gian. Nhất là trong thời điểm cuối năm có nhiều hoạt động cần trao đổi xử lý thì việc mạng chập chờn càng khó chấp nhận.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico, phân tích quyền lợi của người dùng không được bảo đảm công bằng trong một số dịch vụ đặc thù như di động, điện lực, hàng không… Quan trọng nhất, việc xác định và tính toán mức độ vi phạm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để chứng minh thiệt hại của khách hàng nhằm khởi kiện đòi bồi thường là rất khó. “Quá khó để chứng minh được vì sao bị ngưng giữa chừng cuộc gọi. Giả sử nhà mạng nói không phải lỗi kỹ thuật mà do người dùng chạm vào nút tắt thì làm sao khách hàng phản bác lại được. Cũng như sẽ có vô số lý do để giải thích cho việc cước điện thoại trong tháng đó tăng hơn tháng trước… Người dùng chỉ có giải pháp duy nhất là đổi sang mạng khác nếu không hài lòng với chất lượng dịch vụ của nhà mạng đang sử dụng”, luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ thêm.
Tính đến hết năm 2017, VN có 127 triệu thuê bao di động, đạt tỷ lệ 116 máy/100 dân. Hiện tỷ lệ phủ sóng di động đã đạt 95% diện tích cả nước, thậm chí cả các vùng hải đảo. Trong khi đó, số lượng khách hàng dùng điện thoại cố định chỉ đạt mức 5 thuê bao/100 dân. Số lượng thuê bao di động giảm khoảng 1 triệu thuê bao so với cuối năm 2016 do chương trình thu hồi sim điện thoại rác của các nhà mạng trong năm qua. Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, đến hết năm 2017, các nhà mạng đã thu hồi hơn 24,3 triệu sim điện thoại kích hoạt sẵn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.