Theo AFP, tên lửa Trường Chinh 2-C đã rời khỏi bãi phóng tàu vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Tứ Xuyên, mang theo vệ tinh Theo dõi các Vật thể Biến động trong Không gian (SVOM) vào quỹ đạo trái đất.
Vệ tinh SVOM có trọng lượng 930 kg, được trang bị 4 thiết bị chính (2 thiết bị của Pháp và 2 của Trung Quốc) và đảm nhận nhiệm vụ tìm kiếm những vụ bùng phát tia gamma (GRB).
Vụ nổ GRB thường phát sinh sau khi các ngôi sao khổng lồ nổ tung, chỉ những ngôi sao có khối lượng cao gấp hơn 20 lần mặt trời, và phóng thích chùm tia cực sáng mang theo năng lượng tương đương hơn 1 tỉ mặt trời gộp lại.
Việc quan sát những vụ nổ GRB giống như quá trình nhìn ngược thời gian, vì ánh sáng từ những sự kiện này mất nhiều tỉ năm mới đến trái đất, theo AFP dẫn lời chuyên gia Ore Gottlieb của Trung tâm Vật lý Thiên văn thuộc Viện Flatiron ở New York (Mỹ).
Những chùm tia đó mang theo manh mối về các đám mây khí và vật chất từ những thiên hà mà chúng đi qua trên cuộc hành trình xuyên không gian đến địa cầu. Đây là những dữ liệu vô cùng giá trị nếu nhân loại muốn hiểu rõ hơn về lịch sử và quá trình tiến hóa của vũ trụ.
"SVOM có tiềm năng giải mã một số bí mật trong lĩnh vực GRB, bao gồm phát hiện vụ nổ GRB đến từ nơi xa xôi nhất, và vì thế cũng là vụ nổ GRB xuất hiện sớm nhất trong vũ trụ.
Tính đến thời điểm hiện tại, vụ nổ GRB xa nhất từng được phát hiện là vào thời điểm vũ trụ khoảng 630 triệu năm tuổi, tức giai đoạn bình minh của vũ trụ.
Bình luận (0)