Phát ấn đền Bảo Lộc: Vào luồn ra cúi để làm quan

08/03/2013 04:00 GMT+7

Nhà đền Bảo Lộc (Nam Định) vừa bán ấn vừa hướng dẫn khách chui qua cửa, xuyên gầm bàn thờ vì “phải vào luồn ra cúi thì mới thăng quan tiến chức được”.

Một phụ nữ mảnh mai quỳ gối chống tay lách qua ô cửa đen bóng được trổ khá hẹp để chui vào cung cấm của đền Bảo Lộc, Nam Định. Nếu nhiều cân hơn một chút, chắc chị sẽ phải nghiêng người. Rồi chị bò qua gầm bàn thờ một vòng trong mùi hương trầm và ánh sáng mờ. “Trò chơi vận động” trẻ con này cuối cùng cũng kết thúc khi chị chui đủ vòng và quay ra cũng qua ô cửa nhỏ ban đầu. Nhưng đấy là việc nghiêm túc của người lớn, dưới sự hướng dẫn của nhân viên nhà đền Bảo Lộc. Theo họ, chuỗi vận động trên được hiểu theo “nguyên lý”: “Muốn làm quan phải biết vào luồn ra cúi”.


Vì muốn thăng quan phát tài, người ta có thể làm đủ mọi chuyện - Ảnh: Hoàng Long
 

Cũng chính vì thế, thay vì đóng hẳn khu hậu điện (vốn rất ít khi được mở) hoặc mở hẳn, nhà đền đã khoét một lỗ thấp sát mặt đất, đủ chiều rộng cho một người chui lọt. Sau khi mua ấn chủ về thăng quan tiến chức, nhân viên nhà đền sẽ hướng dẫn người mua “luồn cúi” trót lọt đúng lộ trình. Tháo giày dép, hàng chục người bò lổm ngổm trong gầm bàn thờ. Thậm chí, có vị còn cố bò đủ 7 vòng quanh gầm bàn thờ rồi mướt mát mồ hôi, vẻ mặt phấn khởi chui ra.

Ấn thăng quan tiến chức chỉ là một mặt hàng tại đền Bảo Lộc năm nay. Giá ấn thậm chí còn cao hơn lá ấn năm nào cũng gây sốt ở đền Trần Nam Định. Ấn để buôn bán phát tài giá 100.000 đồng/chiếc. Với công chức, ấn để thăng quan, tiến chức giá 250.000 đồng/chiếc. Tiền trao, ấn đóng. Sau khi thu đủ, nhà đền đưa ấn cho khách tự đóng lên một miếng vải vuông màu vàng, rồi phát thêm một ấn vải khác và một thẻ ép nhựa đã in sẵn.

“Cạnh tranh”

Thuộc địa bàn H.Mỹ Lộc (Nam Định), đền Bảo Lộc chỉ nằm cách đền Trần khoảng 1 km. Tài liệu lịch sử cho thấy, đây vốn là ấp An Lạc. Thái ấp này được triều đình ban cho An Sinh vương Trần Liễu, thân phụ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Rất nhiều khả năng đây là nơi thờ An Sinh vương chứ không phải nơi thờ Hưng Đạo vương. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, chính quyền địa phương và người dân ở đây đều khẳng định đây là nơi thờ Hưng Đạo vương. Do đó, đền cũng tổ chức phát ấn từ ngày 15 tháng giêng, cùng thời điểm với đền Trần.

 

Những người sẵn sàng luồn cúi để được làm quan thì liệu sẽ làm được điều gì cho nước cho dân

GS Ngô Đức Thịnh

Ngoài ra, để “cạnh tranh” với ấn đền Trần, nhà đền Bảo Lộc còn treo biển “cung cấm” tại hậu điện, rồi làm một quả ấn đồng ghi rõ “quốc ấn” để đóng và bán ấn cho người đi lễ. Cho đến gần hết tháng giêng, có ngày vẫn có hàng trăm người xếp hàng chờ tới lượt vào “cung cấm” để được tự tay đóng ấn cầu quan lộc, phát tài cho mình.

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định cho biết theo nghiên cứu, tại đền Bảo Lộc không có lễ khai ấn. Hồ sơ di tích đền Bảo Lộc cũng không đề cập đến chiếc ấn này. “Cơ quan văn hóa biết việc này từ lâu. Tuy nhiên do không có ai trưng cầu nên cơ quan chức năng không giám định”, ông Thư nhấn mạnh.

Bản thân việc treo biển “cung cấm” và “quốc ấn” tại đền Bảo Lộc cũng trái với tước vị Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.

Nhiều người đi lễ cũng nói không với những lá ấn, với kiểu ước vọng “vào luồn ra cúi” này. Anh Lê Thanh Bình ở C21, Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội kiên quyết không bò vào gầm bàn thờ. Theo anh, nếu phải ra luồn vào cúi mới làm được quan thì xã hội sẽ thế nào. Chị Lê Thị Lan ở Hiệp Hòa, Bắc Giang  cho rằng đây là hình ảnh vô văn hóa nhất mình từng gặp tại các lễ hội. Theo chị, chỉ người thiếu văn hóa mới nghĩ ra trò rẻ tiền, câu khách như thế.

Tự phát minh

Trao đổi với Thanh Niên, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL Phạm Xuân Phúc cho biết, theo thông tin từ địa phương, việc chui luồn qua lỗ cửa là một tập tục đã có từ lâu. Còn việc giải thích “phải vào luồn ra cúi mới thành quan chức” là lời nói của người nhà đền cũng không nên quá chú ý. Giá cả bán ấn theo nguồn tin trên tới ông Phúc cũng không cao như giá mà PV Thanh Niên đã phải trả để mua ấn thăng quan.

Mặc dù vậy, theo ông Thư, không có bất cứ văn bản, tư liệu lịch sử nào trong dân gian và tại đền đề cập đến nghi lễ, tập tục luồn cúi này. Ông Thư cho biết, trước đây có rất ít người được vào hậu điện này. Từ khi chuyển sang đấu thầu quản lý đền, những người trông đền mở cửa cho người hành lễ vào tự do bán ấn. Ông phỏng đoán, vì hậu điện chật chội nên nhà đền buộc phải để khách chui qua gầm bàn thờ. Sau đó, nghĩ thêm việc khoét chui trên cửa rồi biến tấu thành tục “vào luồn ra cúi”.

PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học cho rằng ông chưa từng gặp một trường hợp tập tục nào có nội dung phải luồn cúi mới thăng quan như vậy.

Còn PGS-TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo khẳng định đây hoàn toàn không phải một tập tục hay nghi lễ tôn giáo nào cả. Nó chỉ là một “nội quy” mà nhà đền tự nghĩ ra mà thôi.

“Tôi nghĩ một nguy cơ cực lớn với lễ hội là sự trục lợi của một nhóm người. Một nguy cơ lớn khác chính là sự thiếu tỉnh táo của người đi lễ. Mà những người sẵn sàng luồn cúi để được làm quan thì liệu sẽ làm được điều gì cho nước cho dân”, GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nói.

Hoàng Long - Trinh Nguyễn

>> Đội mưa, xếp hàng chờ phát ấn
>> Phát ấn đền Trần từ 7 giờ ngày 15 tháng giêng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.