Vườn quýt ở H.Lai Vung (Đồng Tháp) |
Duy Tân |
Lễ phát động đã được nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, công bố vào sáng qua 31.5, nhân Hội thảo “Xóa trắng” cao tốc, phát huy lợi thế cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), diễn ra tại Tòa soạn Báo Thanh Niên, TP.HCM.
Cuộc thi viết Nghĩa tình miền Tây là dịp để mọi công dân VN, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ VN thể hiện những xúc cảm, sự mến yêu hay ân tình của mình đối với miền Tây, cụ thể là các tỉnh - thành: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Trong âm nhạc, chúng ta có lẽ đã từng nghe những bài ca toát lên nét đẹp đặc trưng của các tỉnh miền Tây, như Áo mới Cà Mau (Thanh Sơn) với “người Cà Mau dễ thương vô cùng”, như Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang đầy da diết của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển - một trong những nhạc phẩm nổi tiếng viết về Bạc Liêu nơi ông đã có thời gian gắn bó, là Kiên Giang mình đẹp lắm (Lư Nhất Vũ - Lê Giang), hay giai điệu Về miền Tây của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng thường vang lên rộn rã quen thuộc trên những chuyến xe, chuyến phà về miền Tây một thời...
Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) |
công hân |
Với phim ảnh và văn học, nhiều người hẳn vẫn còn nhớ bộ phim truyền hình Đất phương nam nổi tiếng của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn (được chuyển thể từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi), nay đang được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thực hiện phiên bản điện ảnh; hay bộ phim điện ảnh Mùa len trâu của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh dựa trên tác phẩm cùng tên trong tập truyện Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, tái hiện cuộc sống của những người nông dân miền Tây sông nước đầu thế kỷ 20, mỗi khi mùa lũ về, những người làm nghề “len trâu” phải đưa trâu đi lên vùng cao để sống qua mùa lũ…
Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn hy vọng: “Khi tham gia cuộc thi viết Nghĩa tình miền Tây, các tác phẩm sẽ gửi gắm, chuyển tải thật phong phú, sinh động, đậm tình, thắm nghĩa không chỉ những kỷ niệm, ký ức về miền Tây của hôm qua, mà cả những câu chuyện của hôm nay. Và điều đặc biệt trong cuộc thi viết lần này, có thêm một hạng mục chính luận để hưởng ứng Nghị quyết số 13 - NQ/TW ngày 2.4.2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, rất mong được nhận những bài viết tâm huyết về mong ước hay đề xuất, ý kiến để cùng góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các tỉnh ĐBSCL”.
Trong mỗi cuộc thi, những bài viết có chất lượng được Ban giám khảo vòng sơ khảo chọn đăng trên chuyên trang theo chủ đề của báo giấy, cũng như chuyên mục cùng tên trên Thanh Niên Online và được trả nhuận bút theo quy định. Sau mỗi cuộc thi, những bài viết tiêu biểu và đoạt giải sẽ được Ban tổ chức in sách và phát hành.
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Trần Kim Chung, Chủ tịch Tập đoàn CT Group, đơn vị đồng hành cùng cuộc thi viết Nghĩa tình miền Tây, cho biết: “Chúng tôi rất cảm động và hạnh phúc khi đồng hành cùng cuộc thi hết sức ý nghĩa này. Chủ đề Nghĩa tình miền Tây đã nói lên nhiều những cảm xúc của những ai từng sinh ra, lớn lên, từng sống và làm việc ở miền Tây. Miền Tây có thể hạ tầng chưa phát triển, có thể khó khăn về kinh tế - xã hội nhưng rất giàu nghĩa tình. Sự phát triển của miền Tây sẽ rất bền vững trên nền tảng văn hóa đó. Để khởi đầu cho sự phát triển mới, tôi cho rằng cuộc thi này hết sức đúng hướng, đúng thời điểm. Cảm ơn Báo Thanh Niên đã tạo điều kiện cho chúng tôi đồng hành cùng cuộc thi đầy ý nghĩa này”.
HỘI LIÊN HIỆP THANH NIÊN VIỆT NAM BÁO THANH NIÊN |
THỂ LỆ
Cuộc thi viết chủ đề “Nghĩa tình miền Tây”
1. Đối tượng dự thi
- Công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài;
- Người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam (thành viên Ban giám khảo, nhân viên, cộng tác viên Báo Thanh Niên và đơn vị tài trợ không được tham gia).
2. Số lượng tác phẩm dự thi: Không hạn chế.
3. Nội dung cuộc thi
3.1. Tác phẩm thể hiện tình yêu, tấm lòng của người miền Tây dành cho chính quê hương mình (cụ thể là các tỉnh - thành: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Màu, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long); là nỗi nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của những người sinh ra nơi đây nhưng tha phương cầu thực; là ký ức của những ai từng đến và cảm mến bởi cái tình, cái nghĩa và sự bình dị, chân chất, hào hiệp của người miền Tây hay niềm vấn vương của những du khách từng bị cuốn hút, xiêu lòng bởi vẻ trữ tình từ sông nước miền Tây, từ những nét văn hóa đặc trưng nơi này...
- Thể loại: tản văn, tùy bút, ghi chép;
3.2. Tác phẩm đưa ra các đề xuất, kiến nghị, hiến kế xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các tỉnh miền Tây. (Hưởng ứng Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2.4.2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).
- Thể loại: chính luận.
4. Quy cách về tác phẩm dự thi:
- Tác phẩm dự thi nội dung 3.1 không dài quá 1.500 chữ;
Tác phẩm dự thi nội dung 3.2 không giới hạn số chữ;
- Tác phẩm dự thi được viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh (ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ), khuyến khích đính kèm ảnh hoặc video dưới 2 phút minh họa của chính tác giả;
- Tác phẩm dự thi (bao gồm bài viết và hình ảnh/video minh họa) phải là những sáng tác mới, chưa được sử dụng, chưa được công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào, chưa đưa lên các websites, blogs, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter... của các tổ chức, cá nhân. Các tác phẩm dự thi không được in vào tập sách riêng của tác giả và các tuyển tập chung cho đến khi kết thúc cuộc thi;
- Sử dụng ngôn ngữ trong sáng, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, không vi phạm pháp luật Việt Nam;
- Bài viết có thể đánh máy hoặc viết tay rõ ràng trên khổ giấy A4;
- Tác phẩm gửi về phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ hoặc email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất họ tên hoặc bút danh.
5. Tiêu chí chấm giải:
* Các tác phẩm tham gia chấm vòng sơ khảo:
- Tác phẩm dự thi có nội dung và quy cách đúng theo yêu cầu của Ban tổ chức;
- Tác phẩm dự thi có đầy đủ thông tin người tham dự theo quy định của Ban tổ chức.
* Vòng chung khảo: ban tổ chức tổng hợp điểm từ các thành viên Ban giám khảo và công bố các giải thưởng căn cứ kết quả chấm thi theo thang điểm quy định lấy từ cao xuống thấp.
* Giải thưởng được yêu thích nhất: Bài dự thi có tổng số lượt like và view cao nhất trên Thanh Niên Online.
6. Cách thức gửi bài dự thi:
- Gửi qua email của chương trình: [email protected]
- Gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Nghĩa tình miền Tây).
7. Thời hạn gửi bài dự thi:
- Từ ngày công bố đến 30.9.2022
8. Giải thưởng:
* Giải thưởng hạng mục tác phẩm thể hiện tình yêu, tấm lòng của người miền tây dành cho chính quê hương mình:
- 01 giải Nhất: Trị giá 20.000.000 đồng;
- 01 giải Nhì: Trị giá 15.000.000 đồng;
- 02 giải Ba: Mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng;
- 05 giải Khuyến khích: Mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
* Giải thưởng hạng mục tác phẩm đề xuất, kiến nghị, hiến kế xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các tỉnh miền Tây:
- 01 giải Nhất: Trị giá 20.000.000 đồng;
- 01 giải Nhì: Trị giá 15.000.000 đồng;
- 02 giải Ba: Trị giá 10.000.000 đồng;
- 05 giải Khuyến khích: Mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng
* Giải Phụ:
- 01 giải bài viết được yêu thích nhất (căn cứ lượt xem và like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng;
- 01 giải bài viết có hình ảnh minh họa (trong bài viết dự thi) xuất sắc nhất: trị giá 5.000.000 đồng;
- 01 giải bài viết có video minh họa (trong bài viết dự thi) xuất sắc nhất: trị giá 5.000.000 đồng;
- 01 giải bài viết hay nhất về quê hương Đồng Tháp Mười: trị giá 5.000.000 đồng.
Khi tổng kết cuộc thi, ban tổ chức cuộc thi có thể xem xét quyết định điều chỉnh cơ cấu giải thưởng cho phù hợp.
9. Quy định chung
- Ban tổ chức cuộc thi bao gồm các thành viên: Ban Biên tập và đại diện các phòng, ban chức năng của Báo Thanh Niên, do ông Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng biên tập làm trưởng ban;
- Hội đồng Giám khảo gồm các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà báo có uy tín do ông Hải Thành - Phó Tổng biên tập làm trưởng ban;
- Tác giả cam kết chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với tác phẩm của mình, đảm bảo không có tranh chấp bản quyền. Nếu các tác phẩm được trao giải vi phạm về bản quyền, ban tổ chức, hội đồng giám khảo sẽ xem xét thu hồi giải thưởng và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng;
- Bài viết vi phạm nội quy của ban tổ chức, thuần phong mỹ tục Việt Nam hoặc thông tin không phù hợp sẽ bị loại bỏ mà không cần thông báo trước;
- Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu trường hợp bài dự thi bị thất lạc trong quá trình gửi đến ban tổ chức;
- Ban tổ chức không chịu trách nhiệm về việc người dự thi cung cấp sai thông tin cá nhân, dẫn đến việc không liên lạc được;
- Ban tổ chức không hoàn trả các tác phẩm tham dự cuộc thi trong bất kỳ trường hợp nào và được toàn quyền sử dụng các tác phẩm dự thi đoạt giải để phục vụ các hoạt động quảng bá tuyên truyền, in sách mà không phải trả bất kỳ chi phí nào;
- Người đoạt giải chịu trách nhiệm đóng thuế TNCN theo quy định của pháp luật tại thời điểm nhận giải;
- Người đoạt giải có trách nhiệm thông báo về việc có thể đến tham dự Lễ trao giải để ban tổ chức chuẩn bị giải thưởng. Trường hợp người đoạt giải đến tham dự mà không xác nhận tham dự Lễ trao giải với ban tổ chức trước đó, giải thưởng bằng hiện kim sẽ được chuyển khoản theo thông tin và hồ sơ do người đoạt giải cung cấp. Giải thưởng bằng hiện vật sẽ được gửi theo hình thức thư bảo đảm theo thông tin người đoạt giải cung cấp và không quy đổi thành tiền. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm cho việc thất lạc hoặc hư hỏng giải thưởng bằng hiện vật trong quá trình vận chuyển;
- Ban tổ chức chỉ giải quyết mọi trường hợp khiếu nại về kết quả cuộc thi trong vòng 7 ngày từ ngày công bố kết quả;
- Quyết định của ban tổ chức là quyết định cuối cùng.
Bình luận (0)