'Phát hành trái phiếu lu bù, vay lu bù để chi thì chết thôi'

09/10/2014 14:35 GMT+7

(TNO) "Có đồng nào “ăn hết” đồng đó, rồi lại đi vay nợ , đảo nợ làm mất cân đối thu - chi; không có tiền chi lương cho người dân, không có tiền chi đầu tư phát triển". Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn chỉ ra thực trạng đáng lo ngại trên khi phát biểu tại phiên họp Thường vụ Quốc hội (TVQH) diễn ra sáng nay, 9.10.

>> Bộ trưởng Tài chính: ‘Chúng ta vay nợ của Trung Quốc không đáng kể’
>> Vay nợ để... lo việc thiên hạ
>> Cấp thiết giảm lãi vay nợ cũ
>> Làm cách nào một hiệu phó vay nợ hàng trăm tỉ đồng rất dễ dàng?

Đánh giá chung về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) và thu chi ngân sách năm 2014, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhận xét báo cáo của Chính phủ cho thấy bức tranh khá toàn diện: kinh tế ổn định, tăng trưởng GDP có chiều hướng tăng lên, lạm phát được kiểm soát. “Tăng trưởng GDP mà đạt gần 6%, trong khi lạm phát thấp hơn chỉ có 4-5%, như vậy cũng rất hợp lý”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Tuy nhiên, trong báo cáo hàng trăm trang về KT-XH, ông Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu làm rõ hơn nữa đời sống tinh thần và vật chất của người dân thực sự có được cải thiện, có còn bức xúc hay không; đồng thời, cần chỉ rõ những yếu kém của nền kinh tế, trong bối cảnh sức cạnh tranh chưa cao; nợ công đang là mối đe doạ; cân đối ngân sách chưa tích cực…

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong cơ cấu thu - chi hiện nay đang thực sự rất báo động, khi ngân sách dành tới 72% tổng thu cho chi thường xuyên, trong khi chi cho đầu tư phát triển thì quá ít, luôn phải đi vay, phát hành trái phiếu đảo nợ.

Nguyễn Sinh Hùng 
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: "Ăn hết mà không có tiền chi lương thì tôi chả hiểu thế nào" - Ảnh: Ngọc Thắng

“Phải cân bằng thu - chi, thu lấy mà chi. Chứ bây giờ cứ phát hành trái phiếu lu bù, vay lu bù để chi thì chết thôi”, Chủ tịch cảnh báo.
Ngay cả cân đối xuất nhập khẩu cũng đang tồn tại quá nhiều bất cập. Theo Chủ tịch, hiện nay cái gì cũng phải nhập khẩu từ vật tư, nguyên liệu, từ những thứ nhỏ nhất như cái kim, sợi chỉ. Do đó cần phải tính toán lại bài toán tự chủ, độc lập về kinh tế. Phải có tích luỹ và tiêu dùng, phải có của ăn của để dành. Thu được thì phải để dành đầu tư, dự phòng, dự trữ.

“Ăn hết không có tiền chi lương”

 
Các đồng chí không chủ động làm ra tiền, chỉ ngồi chờ xem có bao nhiêu để chia là không được. Phải có cách giải quyết tiền lương
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Phê bình báo cáo của Chính phủ lời văn quá cứng nhắc khi đề xuất không tăng lương trong năm 2015, không bố trí được nguồn vốn giải quyết an sinh xã hội, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở: “Ăn hết lấy gì mà tiêu, ăn hết mà không có tiền chi lương thì tôi chả hiểu thế nào. Mấy ông đang đi làm cán bộ công chức thì còn kêu gọi chưa tăng lương được chứ các cụ về hưu mà không giải quyết cho họ thì không được”.

Ông Hùng nói thêm: “Các đồng chí không chủ động làm ra tiền, chỉ ngồi chờ xem có bao nhiêu để chia là không được. Phải có cách giải quyết tiền lương”.

Nhấn mạnh bức tranh thu - chi ngân sách đang rất xấu, thu được đồng nào đem xài hết đồng đó là rất nguy hiểm, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải hãm phanh lại, không được vay ào ào. Bởi nếu kinh tế không phát triển được nữa, không trả được thì nguy cơ sụp là hiện hữu. Ngay cả việc nhiều ý kiến cho rằng, hỗ trợ doanh nghiệp giảm thuế là giảm thu, Chủ tịch phản bác quan điểm này. Theo ông Hùng, việc giảm thuế có thể nuôi dưỡng nguồn thu, tăng tỷ lệ động viên vào thuế ngân sách những năm sau.

“Bán 100 bát phở mà giá rẻ thì còn hơn bán 10 bát. Bán rẻ 20.000 một bát thay vì 30.000 đồng thì 1.000 người đến ăn chúng ta giàu to, thu ngân sách cao hơn. Các đồng chí tính thế nào thì tính, phải đảm bảo 50% chi thường xuyên, 30% chi đầu tư, 20% trả nợ trong tổng chi ngân sách”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.