Hai hố đen có tên lần lượt là Gaia BH1 và Gaia BH2, được tìm thấy trong lúc các nhà thiên văn học phân tích dữ liệu do phi thuyền Gaia của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) thu thập được, theo Space.com hôm 4.4.
Trong đó, Gaia BH1 chỉ cách địa cầu khoảng 1.560 năm ánh sáng về hướng chòm sao Xà Phu, trong khi Gaia BH2 ở khoảng cách 3.800 năm ánh sáng về hướng chòm sao Bán Nhân Mã. Xét về khía cạnh vũ trụ, cả hai hố đen đều nằm ở "sân sau" của trái đất.
Cả hai hố đen đều thuộc Dải Ngân hà và có khối lượng lớn gấp 10 lần mặt trời, theo báo cáo đăng trên chuyên san Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.
Không giống như đa số các hố đen được tìm thấy đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học không phát hiện được bất kỳ tàn tích nào của sao hoặc đám mây khí trôi nổi gần Gaia BH1 và Gaia BH2.
Lộ chân dung hố đen "gã khổng lồ hiền lành" trong dải ngân hà
Các nhà khoa học gọi những hố đen không "ăn" sao hoặc các thiên thể khác là nhóm hố đen "ngủ đông".
Tuy nhiên, khoảng cách gần nhất không phải là điều duy nhất thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu trong trường hợp này. Gaia BH1 và Gaia BH2 đều ở khoảng cách khá xa sao đồng hành nếu so với những trường hợp hệ sao-hố đen trước đó, theo trưởng nhóm Kareem El-Badry của Trung tâm Harvard-Smithsonian về Vật lý học thiên thể (Mỹ) và Viện Max-Planck về Thiên văn học (Đức).
Những hệ sao-hố đen thông thường thể hiện hình ảnh rõ nét thông qua bức xạ tia X năng lượng cao và dựa trên hình ảnh vô tuyến. Ngược lại, Gaia BH1 và Gaia BH2 hoàn toàn chìm trong bóng tối và chỉ được phát hiện trong quá trình các chuyên gia quan sát ảnh hưởng trọng lực của hố đen đối với sao đồng hành.
Bình luận (0)