TP.HCM: 60 ca F0 trong trường học sau 2 tuần tổ chức dạy học trực tiếp

29/12/2021 21:03 GMT+7

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, trong 2 tuần tổ chức dạy học trực tiếp đã phát hiện 60 ca F0 trong trường học là giáo viên, nhân viên và học sinh.

Cụ thể, theo báo cáo kết quả tổ chức học tập trực tiếp tại trường học từ 13.12 đến 26.12 của Sở GD-ĐT TP.HCM, trong 2 tuần qua cấp độ dịch của TP.HCM luôn ở mức 2.

Tính đến 26.12, có 60 ca nhiễm Covid-19 mới là giáo viên, nhân viên và học sinh đang dạy học trực tiếp và phát hiện tại trường. Tất cả những trường hợp này đã được xử lý theo quy định.

Thế nào được coi là F0 Covid-19 theo định nghĩa mới nhất của Bộ Y tế?

Tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh tăng 16%

Trong 2 tuần đầu tiên thí điểm, khối THCS có 254/286 trường tổ chức dạy học trực tiếp với tỷ lệ 88,81%; còn 32 trường THCS vẫn chưa tổ chức dạy học trực tiếp trong đó chủ yếu là các trường thuộc huyện Củ Chi (do huyện này đề xuất chưa cho học sinh đi học lại), số trường còn lại là trường mới xây dựng chưa có học sinh khối 9.

Có 97,63% học sinh lớp 9 đã tham gia học trực tiếp nhưng vẫn còn hơn 2.100 em chưa thể đi học do đang bị F0, cách ly hoặc chưa trở lại thành phố.

Có 60 ca nhiễm Covid-19 mới là giáo viên, nhân viên, học sinh đang dạy học trực tiếp và phát hiện tại trường sau thời gian học sinh lớp 9,12 trở lại trường

NGUYỄN LOAN

Ở bậc THPT có 185/204 trường tổ chức dạy học trực tiếp đạt tỷ lệ 90,69%, còn 19 trường chưa tổ chức. 96,02% học sinh đã đi học, còn hơn 2.600 em chưa tham gia.

Tương tự, ở khối giáo dục thường xuyên tỷ lệ học sinh đi học và các trường tham gia dạy học trực tiếp đối với lớp 9 và 12 cũng rất cao.

Cũng theo Sở GD-ĐT TP.HCM, sau 2 tuần học sinh trở lại trường, tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho con đi học tăng hơn 16% so với trước đó.

Dù vậy, việc học sinh đi học trở lại cũng gặp nhiều khó khăn khi nhân viên y tế địa phương đang quá tải nên không hỗ trợ kịp thời nhà trường khi phát hiện và xử lý F0; phần lớn cơ sở giáo dục đều gặp khó khăn về thiết bị y tế như đồ bảo hộ, bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2; một số cơ sở giáo dục thiếu nhân viên y tế…

Cũng có nhiều trường hợp cha mẹ học sinh không khai báo y tế với địa phương và nhà trường khi có con em đang nhiễm bệnh trong thời gian học trực tiếp tại trường.

Nhiều cơ sở giáo dục hiện nay vẫn đang được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến, khu vực cách ly tập trung…

Sau 2 tuần học sinh trở lại trường, tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho con đi học tăng hơn 16% so với trước đó

NGUYỄN LOAN

Ngày 29.12: Cả nước 13.889 ca Covid-19, 38.260 ca khỏi | Hà Nội 1.766 ca | TP.HCM 702 ca

Kiến nghị có cơ chế định biên đối với nhân viên y tế trường học

Sở GD-ĐT TP.HCM cũng có kiến nghị lên UBND TP nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục khi đón học sinh đi học trở lại.

Cụ thể là cho phép Sở GD-ĐT phối hợp Sở Nội vụ đề xuất cơ chế định biên vị trí việc làm đối với nhân viên y tế trường học.

Hỗ trợ trang bị bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho các cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy học trực tiếp.

Chỉ đạo UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức nhanh chóng sửa chữa, cải tạo các cơ sở giáo dục được trưng dụng phục vụ chống dịch.

Sở cũng nhận định việc trẻ học trực tuyến không được đến trường trong thời gian dài sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như cong vẹo cột sống, thừa cân béo phì, tật khúc xạ… và đặc biệt là sức khỏe tâm thần của học sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.