Từ tháng 9.2022 đến nay, Viện Khảo cổ học VN đã phối hợp với Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) tổ chức khai quật khảo cổ khu vực bên trong và bên ngoài 4 cổng thành (đông, tây, nam, bắc). Tổng diện tích khai quật là 5.000 m2.
QUY MÔ 4 CỔNG THÀNH NHÀ HỒ
Khai quật khảo cổ cổng Nam của Thành nhà Hồ, đoàn khai quật ghi nhận cổng này rộng 34,85 m, cao còn lại 7,65 m, sâu 15,2 m, được xây nhô ra so với tường thành 4,1 m. Cổng Nam gồm 3 vòm cuốn theo kiểu tam quan, trong đó vòm giữa rộng 5,85 m, cao 5,9 m; vòm hai bên đều rộng 5,4 m, cao 5,4 m. Trên nóc các vòm cổng lát đá phẳng tạo thành một mặt bằng rộng 14 m, dài 33 m.
Khi khai quật cổng Nam còn ghi nhận cối cửa dạng khung gia cố từ trên xuống dưới. Mặt thành có hệ thống rãnh thoát nước đục vào đá xung quanh nền và đổ ra 4 góc trong ngoài thành; xung quanh mặt thành có 12 lỗ cắm lan can gỗ.
Đáng chú ý, từ cổng Nam vào phía trong nội thành là đường Hoàng Gia hướng bắc - nam. Đường được kè đá xanh và lát đá phiến nằm chính giữa cổng Nam, nối thẳng từ phía nam đến di tích Nam Giao về phía bắc, hướng vào trung tâm nội thành. Đường Hoàng Gia còn tình trạng tốt nhất ở khu vực trước và trong cổng Nam.
Cổng Bắc rộng 21,4 m, cao 8,42 m, sâu 13,8 m, xây nhô ra so với tường thành 4 m. Vòm cuốn cao 5,9 m. Trên nóc vòm cuốn lát đá tạo một mặt bằng rộng 12,7 m và dài 20,5 m. Dấu tích nền đá trong vòm cổng còn khá rõ, cao hơn phần móng tường ngoài khoảng 17 - 21 cm và hệ thống cối cửa.
Cổng phía đông và phía tây có cấu tạo khá tương đồng: rộng 21,4 m, cao 6,9 m, vòm cổng cao 5,9 m. Các cổng xây nhô ra so với tường thành 4 m, tạo thành một vòm cuốn rộng 5,8 m.
Theo đánh giá của đoàn khảo cổ thì kỹ thuật ghép đá xây các cổng phía đông, nam, tây là tương tự về kích thước và kỹ thuật, khi các tảng đá dùng xây dựng cổng là loại lớn. Riêng cổng phía bắc, đá dựng cổng và tường thành là loại nhỏ hơn, mạch ghép lớn hơn, nhiều hàng đá hơn, các lớp đá ngoài không được làm nhẵn, các lớp đá trong không được ghè đẽo vuông vức.
PHÁT HIỆN BÃI ĐẠN ĐÁ CẠNH CỔNG THÀNH
Quá trình khai quật đợt này còn phát hiện một bãi đạn đá ở ngay sát cổng phía nam. Bãi đạn đá mới mở khai quật trên diện tích rộng khoảng hơn 100 m2, ghi nhận có 40 viên đạn đá (hình tròn). Các nhà khảo cổ nhận định bãi đạn đá này có thể có hàng trăm viên đạn. Ngoài ra, ở khu vực 4 cổng thành phát hiện nhiều di vật, như gạch hình chữ nhật có trang trí lá đề thời Trần - Hồ; ngói phẳng, ngói cong lòng máng màu xám thời Lê; gốm men thời Trần - Hồ và thời Lê sơ.
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, cho biết kết quả khai quật đã thấy rõ cấu trúc đường Hoàng Gia và 4 cổng Thành nhà Hồ. "Các cổng thành xây dựng bằng đá và còn khá nguyên vẹn. Kỹ thuật xây sử dụng sức nặng là chính, bằng cách đào móng và lắp ghép đá. Ở khu vực các cổng thành cũng phát hiện nhiều di vật, cho thấy có hoạt động sinh hoạt. Nói chung, kết quả khai quật một lần nữa khẳng định thêm đặc trưng của di sản thế giới Thành nhà Hồ - là xây dựng từ những khối đá lớn, khẳng định đây là một công trình vô tiền khoáng hậu", ông Tín nói.
PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia, cho rằng: "Những kết quả khai quật khảo cổ ở Thành nhà Hồ đã thể hiện được trách nhiệm của chúng ta trong việc thực hiện các cam kết với UNESCO. Và thời gian tới, nên tiếp tục khai quật, vì không khai quật khảo cổ học thì chả biết gì mà bảo tồn cả. Ở cổng Nam đã phát hiện đường Hoàng Gia và bãi đạn đá rồi, giờ nên cần tiếp tục hạ mức bên ngoài và bên trong cổng để làm rõ thêm. Rồi tính đến tương lai nên phục dựng chính điện, những việc đó thì phải làm từ ngay bây giờ, vì không thể ngày một ngày hai nói khôi phục là được ngay".
Những kiến nghị của đoàn khai quật và các chuyên gia đã được Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ tổng hợp và sẽ tiếp tục báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ VH-TT-DL để xin ý kiến chỉ đạo, thực hiện phù hợp với thực tiễn cũng như phù hợp với những cam kết của Chính phủ với UNESCO trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ.
Bình luận (0)