Mật ong, đặc biệt là mật ong nguyên chất, có thể cải thiện mức đường huyết và mỡ máu, theo một đánh giá mới và phân tích tổng hợp do các nhà khoa học của Đại học Toronto (Canada) dẫn đầu, theo tạp chí nghiên cứu Study Finds.
Mật ong giúp cải thiện cả lượng đường trong máu và mức cholesterol |
Shutterstock |
Việc hấp thụ nhiều đường đã được chứng minh là góp phần làm gia tăng bệnh béo phì, bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch.
Các hướng dẫn về sức khỏe và dinh dưỡng kêu gọi giảm tiêu thụ đường, các cơ quan y tế khuyến nghị lượng tiêu thụ không quá 5 - 10% tổng lượng năng lượng mỗi ngày.
Hầu hết các cơ quan quản lý, kể cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức về bệnh tim mạch và đột quỵ của Canada và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), đều phân loại mật ong là “đường”.
Ngược lại, mật ong thường được người dân xem là “tốt hơn đường”.
Thực tế, mật ong đã cho thấy nhiều lợi ích đối với sức khỏe tim mạch trong các thử nghiệm trên động vật, lâm sàng và trong ống nghiệm.
Một trong những lợi ích này là cải thiện trọng lượng cơ thể, giảm viêm, giảm mỡ máu và kiểm soát đường huyết, theo Study Finds.
Tuy nhiên, bằng chứng về tác dụng này trong các nghiên cứu trên người chưa được đánh giá và định lượng một cách có hệ thống.
Nghiên cứu đã phát hiện điều gì?
Giờ đây, tiến sĩ Tauseef Khan, nhà nghiên cứu tại Đại học Toronto và Bệnh viện St Michael (Canada), và các đồng nghiệp đã tiến hành đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp các thử nghiệm, để kiểm tra tác động của mật ong đối với mỡ máu, đường huyết, huyết áp, bệnh gan nhiễm mỡ, và các dấu hiệu viêm, nhằm đánh giá mức độ chắc chắn của các bằng chứng.
Nghiên cứu bao gồm tổng cộng 18 thử nghiệm, với 1.105 người tham gia trong phân tích.
Liều lượng mật ong trung bình hằng ngày trong các thử nghiệm là 40 gram, tương đương khoảng 2 muỗng canh. Thời gian thử nghiệm trung bình là 8 tuần.
Thật bất ngờ, kết quả cho thấy mật ong làm giảm lượng đường trong máu lúc đói, giảm mức cholesterol toàn phần và cholesterol “xấu”, giảm chất béo trung tính và cả tình trạng gan nhiễm mỡ, theo Study Finds.
Đồng thời nó cũng làm tăng mức cholesterol “tốt” và giảm một số dấu hiệu viêm nhiễm.
Tiến sĩ Khan cho biết: Kết quả rất đáng ngạc nhiên vì mật ong có khoảng 80% là đường.
Nhưng mật ong cũng là thành phần phức tạp của các loại đường phổ biến và quý hiếm, protein, axit hữu cơ và các hợp chất hoạt tính sinh học khác rất có lợi cho sức khỏe, ông lưu ý.
Đối với người sử dụng đường hoặc chất làm ngọt khác, chuyển sang dùng mật ong thay thế có thể giúp giảm rủi ro bệnh tim mạch và tiểu đường |
Shutterstock |
Mật ong nguyên chất hay mật ong thô, cho kết quả tốt nhất trong các nghiên cứu.
Tiến sĩ John Sievenpiper, cũng từ Đại học Toronto và Bệnh viện St Michael cho biết: Các chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe cộng đồng từ lâu đã nghĩ rằng mật ong tác hại như đường. Nhưng kết quả của nghiên cứu này cho thấy không phải như vậy, và mọi người nên tạm ngưng xem mật ong có hại như đường.
Tiến sĩ Khan nói thêm: Nhưng điều này không có nghĩa là những người kiêng ăn đường nên ăn mật ong.
Riêng đối với người sử dụng đường hoặc chất làm ngọt khác, chuyển sang dùng mật ong thay thế có thể giúp giảm rủi ro bệnh tim mạch và tiểu đường, theo Study Finds.
Bình luận (0)