Ngày 29.9, thông tin từ Sở Y tế Đắk Lắk cho biết trên địa bàn vừa phát hiện một trường hợp mắc bệnh sốt rét có yếu tố ngoại nhập đang được điều trị tích cực.
Theo hồ sơ y tế, bệnh nhân tên là N.H.T (22 tuổi, trú Đắk Lắk) từng đến Bờ Biển Ngà (châu Phi) làm việc ở vùng rừng núi khoảng hơn 1 tháng thì bắt đầu bị sốt. Cơn sốt ban đầu kéo dài 6 - 7 giờ kèm vã mồ hôi, đau đầu; về sau thì sốt cách nhật kéo dài chỉ 2 giờ.
Nhân viên y tế tẩm màn chống muỗi, phòng bệnh sốt rét cho người dân ở H.Ea Kar (Đắk Lắk) |
sở y tế đắk lắk |
Tại châu Phi, khi phát sốt, bệnh nhân chỉ uống thuốc hạ sốt. Do sốt kéo dài, người bệnh luôn trong tình trạng mệt mỏi. Đến ngày 20.9, bệnh nhân trở về Việt Nam và nhập viện tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk).
Sau khi làm xét nghiệm lam máu, bệnh viện chẩn đoán bệnh nhân bị sốt rét Plasmodium malariae (P.malariae), một thể sốt rét hiếm gặp trên địa bàn.
Bệnh nhân đã được điều trị uống thuốc SR Chloroquin và Primaquin. Sau 3 ngày dùng thuốc, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, hết sốt và đang được tiếp tục theo dõi.
Theo Sở Y tế Đắk Lắk, đây là ca sốt rét có yếu tố ngoại nhập, bệnh nhân trở về từ vùng sốt rét lưu hành nặng, nếu có muỗi Anophen truyền bệnh thì nguy cơ lây lan rất cao. Sở cũng khuyến cáo các cơ sở y tế cần cảnh giác, người dân có các dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt rét cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Theo một bác sĩ khoa Ký sinh trùng, côn trùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, bệnh nhân nhiễm sốt rét P.malariae thường có thời gian ủ bệnh từ 18 - 35 ngày, trung bình khoảng 21 ngày. Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài hơn có thể do ký sinh trùng phát triển chậm trong hồng cầu. Giai đoạn sinh sản vô tính trong hồng cầu là 72 giờ, nên sốt rét P.malariae có cơn sốt cách hai ngày xảy ra một cơn rất đặc trưng. Ký sinh trùng phát triển chậm nên gây bệnh nhẹ nhưng tồn tại dai dẳng nhiều năm.
Bình luận (0)