Phát hiện được công bố trên tạp chí Science Advances (Mỹ) hôm 13.1, cung cấp thêm bằng chứng về sự định cư của con người ở đảo Sulawesi, Indonesia. Đồng tác giả bài viết – GS Maxime Aubert của trường Đại học Griffith (Úc) nói với hãng tin AFP rằng bức vẽ do nghiên cứu sinh Basran Burhan phát hiện trên đảo Sulawesi, vốn nằm trong khuôn khổ cuộc khảo sát mà nhóm đang thực hiện với nhà chức trách Indonesia.
Bức tranh nói trên nằm ở vách hang Leang Tedongnge trên đảo Sulawesi, là tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất thế giới tính đến nay, sau khi giới khoa học xác định bức vẽ này đã tồn tại ít nhất 45.500 năm. Theo AFP, hang động Leang Tedongnge nằm trong một thung lũng hẻo lánh phía Nam đảo Sulawesi, được bao bọc bởi những vách đá vôi, cách con đường gần nhất khoảng một giờ đi bộ. Chỉ có thể tiếp cận hang vào mùa khô và cộng đồng người Bugis (nhóm sắc tộc cư trú ở Nam Sulawesi) nói với nhóm khảo sát rằng chưa từng có người phương Tây nào nhìn thấy bức tranh hang động nói trên.
Với kích thước 136x54 cm, tranh heo rừng ở đảo Sulawesi được vẽ bằng chất liệu có màu đỏ sẫm và có mào lông ngắn dựng đứng, cũng như có sừng - đặc trưng của những con đực trưởng thành. Ngoài ra, bức tranh còn vẽ 2 bàn tay ở phía sau con heo rừng. Theo tác giả bài nghiên cứu Adam Brumm, con người đã săn heo rừng Sulawesi trong hàng chục ngàn năm và chúng trở thành nhân vật chính của tác phẩm nghệ thuật thời tiền sử của khu vực, đặc biệt là trong Kỷ Băng hà. GS Maxime Aubert nói rằng căn cứ vào đá canxit hình thành phía trên bức tranh, có thể xác định bức vẽ có niên đại ít nhất 45.500 năm tuổi.
Bức tranh hang động có chi tiết gây bất ngờ
Trước khi phát hiện bức tranh hang động vẽ hình heo rừng, nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Griffith tìm thấy hình vẽ nhóm thợ săn có tuổi đời lên tới 43.900 năm trên bức tường đá rộng 4,5 m, cao 20 m, trong hang Leang Bulu Sipong, cũng trên đảo Sulawesi. Điều đáng lưu ý là thợ săn có hình dáng không giống con người - những sinh vật lai giữa người và động vật đang săn heo rừng Sulawesi. Trong bức vẽ, những thợ săn này có khuôn mặt thon kỳ lạ, phần miệng dài như mõm chó. Một người có đuôi và một người khác lại có mỏ. Cách giải thích dễ hiểu nhất được đưa ra đó là những người này đang khoác lên mình quần áo da thú.
|
AFP khẳng định những bức tranh hang động như thế này giúp chúng ta hiểu thêm phần nào về những cuộc di cư sớm của loài người. Con người đã đến Úc cách đây 65.000 năm, có lẽ họ đã phải băng qua các hòn đảo của Indonesia. Nhóm nghiên cứu đánh giá cao các phát hiện mới, vì mở ra cơ hội tìm hiểu những câu chuyện về các giai đoạn quan trọng nhất trong lịch sử tiến hóa của ngôn ngữ loài người, cũng như sự phát triển của nhận thức hiện đại.
Bình luận (0)