Các nhà khoa học tại Bệnh viện Brigham and Women's Hospital (Mỹ) đã phân tích dữ liệu giấc ngủ ghi nhận được từ máy đo của hơn 84.000 người từ Ngân hàng Sinh học Anh UK Biobank để tìm hiểu xem kiểu ngủ ảnh hưởng thế nào đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Những người tham gia ở độ tuổi trung bình là 62 và không mắc bệnh tiểu đường vào lúc bắt đầu nghiên cứu.
Các tác giả đã phân tích các kiểu ngủ rồi theo dõi sự phát triển bệnh tiểu đường của những người tham gia trong 7,5 năm.
Nghiên cứu đặt ra 2 vấn đề chính:
- Khám phá xem liệu độ dài giấc ngủ thất thường (ngày ngủ quá nhiều, ngày ngủ quá ít) có thúc đẩy sự phát triển của bệnh tiểu đường thông qua sự gián đoạn sinh học và rối loạn giấc ngủ hay không.
- Khám phá xem liệu mối liên hệ này có khác nhau đối với người có di truyền mắc bệnh tiểu đường hay không.
Kết quả đã phát hiện độ dài giấc ngủ thất thường, làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, nhất là ở những người ngủ nhiều hơn và ngay cả người không có di truyền mắc bệnh tiểu đường.
Cụ thể, những người có độ dài giấc ngủ không đều (chênh lệch từ 1 tiếng trở lên) có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn đến 34% so với người có độ dài giấc ngủ đều nhau mỗi ngày, theo chuyên trang y tế Medical Express.
Cách ngủ tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Những phát hiện này cho thấy tầm quan trọng việc duy trì độ dài giấc ngủ đều đặn mỗi đêm trong việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
Tác giả chính, tiến sĩ Sina Kianersi, nhà nghiên cứu tại Brigham and Women's Hospital, cho biết: Nghiên cứu đã xác định được một yếu tố lối sống có thể cải thiện để giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2.
Phát hiện đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì độ dài giấc ngủ đều đặn như chiến lược để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, theo Medical Express.
Bình luận (0)