Phát hiện cung điện 1.000 năm tuổi của nền văn minh Maya

28/12/2019 08:30 GMT+7

Việc phát hiện một dinh thự đồ sộ có niên đại từ khoảng năm 600 - 1050, tức trong buổi xế chiều các triều đại Maya, thêm một lần nữa đặt ra nhiều nghi vấn cho các nhà khoa học.

Đài DW (Đức) hôm 27.12 đưa tin các nhà khảo cổ vừa phát hiện một quần thể dinh thự được cho là thuộc về nền văn minh Maya, có niên đại hơn 1.000 năm trước, tọa lạc tại miền đông Mexico ngày nay.
Từ những gì còn sót lại, nhóm khảo cổ cho hay đây có thể từng là một công trình cao 6 m, dài 55 m và rộng 15 m, được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 600 - 1050, thuộc về giới thượng lưu Maya.
Maya là nền văn minh cổ, từng đạt đến đỉnh cao trong giai đoạn từ năm 250-900 về lĩnh vực tổ chức xã hội, kiến trúc, toán học, thiên văn học và tính toán thời gian, làm lịch. Nền văn minh này từng kiểm soát một vùng đất rộng lớn, trải dài từ đông nam Mexico, Guatemala, Belize cho đến Honduras ngày nay. Tuy nhiên, Maya bất ngờ thoái trào và diệt vong dần từ đầu thế kỷ 10, để lại ẩn số lớn đến ngày nay cho nhân loại.

Nguyên nhân chính khiến nền văn minh Maya diệt vong được cho là do biến đổi khí hậu

Chụp màn hinh Air Pano

Căn cứ vào những di chỉ được phát hiện cho đến nay, giới khảo cổ xác định các vương triều Maya ra đời trong thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Theo chuyên trang History, từ khoảng sau năm 600 trước Công nguyên, các vương triều Maya gần như không còn xây dựng thêm các công trình đồ sộ nữa.
Hơn thế, từ những năm 900, người dân đột ngột rời bỏ các thành phố lớn, khiến Maya bắt đầu suy tàn. Quốc gia cuối cùng thuộc về nền văn minh này là Nojpeten (thuộc Guatemala ngày nay) biến mất vào thế kỷ 16 vì nghèo đói và sau khi thực dân Tây Ban Nha xâm lược.
Có nhiều giả thuyết giải thích về nguyên nhân khiến người dân Maya đột ngột từ bỏ nền văn minh vốn đã đạt nhiều thành tựu, tuy nhiên đáng chú ý nhất là công trình vừa công bố mới đây trên tạp chí Nature Geoscience của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học McGill (Canada).

Cung điện này được cho khoảng 1.000 năm tuổi

Reuters

Theo đó, các học giả chỉ ra nguyên nhân chính khiến nền văn minh Maya cổ đại diệt vong là do nạn phá rừng bừa bãi để lấy đất xây dựng khiến hệ sinh thái mất khả năng tự phục hồi. Đất đai bị xói mòn nghiêm trọng, các hồ chứa nước trở nên khô cạn dẫn đến nguồn thực phẩm dần cạn kiệt buộc người dân phải đi tìm những vùng đất mới.
Nhóm nghiên cứu còn chỉ ra sự xói mòn trong khu vực tồi tệ đến mức dù đã qua mấy nghìn năm, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi hoàn toàn.
Nghiên cứu của Đại học McGill cũng có nhiều điểm chung với kết quả trước đó của nhóm học giả Đức do nhà khảo cổ học Gerald Haug dẫn đầu. Cụ thể, nhóm của ông Haug đã chứng minh cuối thế kỷ 9, vùng xung quanh Venezuela ngày nay hầu như không mưa cho đến đầu thế kỷ 10.
Đây được cho là hệ quả từ việc phá rừng không kiểm soát, dẫn đến những biến đổi khó lường của khí hậu khiến người dân Maya chết dần vì đói. “Đây là một quá trình đau đớn và chậm chạp”, nghiên cứu của nhóm học giả Đức kết luận.

Bảng chép tay của người Maya về các giai đoạn hoạt động của sao Kim với độ chính xác kinh ngạc

Chụp màn hình Pacal

Tuy nhiên, việc phát hiện một dinh thự đồ sộ có niên đại từ khoảng năm 600 - 1050, tức trong buổi xế chiều các triều đại Maya, thêm một lần nữa đặt ra nhiều nghi vấn cho các nhà khảo cổ.
Đây có thể là một trong số ít các công trình được xây dựng vào những năm phồn thịnh cuối cùng của nền văn minh, hay những bí ẩn về Maya thật sự chưa từng được tìm ra lời giải?
Hiện, giới chức Mexico cho hay các nhà khoa học đang đẩy mạnh hoàn tất việc khai quật và tìm cách bảo tồn di chỉ này để sớm mở cửa cho du khách tham quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.