Phát hiện di tích đền thờ đá thiêng của người Champa tại Bình Định

11/12/2020 06:32 GMT+7

Ngày 10.12, tại TP.Quy Nhơn, Bảo tàng tỉnh Bình Định và Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật phế tích Châu Thành (P.Nhơn Thành, TX.An Nhơn, Bình Định).

Theo báo cáo, qua khai quật gần 164,5 m2 (gồm 1 hố chính và 2 hố thám sát) tại phế tích Châu Thành đã xuất lộ 4 lớp kiến trúc của 4 thời đại khác nhau, trong đó có 3 lớp dưới thuộc văn hóa Champa và lớp trên cùng là của người Việt.
Cụ thể, nằm dưới cùng là lớp kiến trúc hoàn chỉnh, với bề mặt hình chữ nhật quay về hướng đông cho thấy đây là kiến trúc đền thờ. Chính giữa lòng lớp kiến trúc này là tảng đá cao 1,7 m, rộng 1,25 m, được xác định là tảng đá thiêng trong tục thờ cúng của người Champa. Tục thờ đá là tín ngưỡng lâu đời, phổ biến ở các dân tộc Đông Nam Á. Sự hội nhập giữa tục thờ đá và Ấn Độ giáo là điểm khởi đầu đặc sắc của văn hóa Champa. Các lớp kiến trúc thứ 2, thứ 3 và thứ 4 kế thừa lớp kiến trúc thứ nhất, được xây dựng nhiều hơn, quy mô lớn hơn và được xây dựng trong nhiều thời kỳ lịch sử.
Từ các lớp kiến trúc và hiện vật gốm, sứ, ngói, gạch… thu được, TS Lê Đình Phụng (cố vấn khoa học của Viện Khảo cổ học VN), người chủ trì đợt khai quật phế tích Châu Thành, đưa ra nhận định là phế tích này phát triển liên tục, kéo dài bởi người Champa từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 15 và sau này là người Việt vào thế kỷ thứ 18 (thời các chúa Nguyễn).
Cũng theo TS Lê Đình Phụng, qua những di tích và di vật được phát hiện tại phế tích Châu Thành và thành Cha (ở xã Nhơn Lộc, TX.An Nhơn) trong các đợt khảo cổ gần đây đều có niên đại sớm, cho thấy dấu ấn của người Champa trên vùng đất Bình Định xuất hiện sớm hơn và có khả năng đây là vùng đất cội nguồn khởi dựng ban đầu của nhà nước Champa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.