Phát hiện di tích xưởng rượu vang từ 2.700 năm trước

25/10/2021 10:53 GMT+7

Di tích xưởng rượu vang và nhiều bức phù điêu có niên đại 2.700 năm vừa được phát hiện tại Iraq.

Di tích cổ được phát hiện tại vùng Faida phía bắc Iraq

AFP

Hãng AFP ngày 25.10 đưa tin các nhà khảo cổ học tại Iraq vừa công bố phát hiện của họ về di tích một nhà máy rượu vang quy mô lớn thuộc đế chế Assyria cách đây 2.700 năm, cùng với những bức phù điêu.

Những bức phù điêu đá thể hiện các vị vua cầu nguyện với thần linh, được khắc vào đường kênh thủy lợi dài gần 9 km ở Faida phía bắc Iraq, theo nhóm chuyên gia khảo cổ tại Bộ Di tích Iraq và các chuyên gia Ý.

Có 12 bức phù điêu rộng 5 m và cao 2 m thể hiện hình ảnh các vị thần, vua và những động vật linh thiêng, có nguồn gốc từ triều đại vua Sargon II (721-805 trước Công nguyên) và con trai là Sennacherib.

“Có những nơi khác có phù điêu đá ở Iraq, đặc biệt là ở Kurdistan, nhưng không bức nào đồ sộ đến thế”, theo nhà khảo cổ học Daniele Morandi Bonacossi tại Đại học Udine (Ý). Ông cho biết các bức phù điêu có tất cả 7 vị thần chính, trong đó có nữ thần tình yêu và chiến tranh Ishtar cưỡi sư tử.

Khu vực sản xuất rượu vang cách đây 2.700 năm

AFP

Kênh cấp nước được cắt vào đá vôi để đưa nước từ sườn đồi xuống những cánh đồng, và những tác phẩm điêu khắc giúp người dân nhớ về vị vua đã ra lệnh xây đường kênh.

“Đó không chỉ là cảnh tín ngưỡng cầu nguyện mà còn mang yếu tố chính trị, như cảnh tuyên truyền”, theo ông Morandi Bonacossi.

Gần đó, nhóm khảo cổ còn phát hiện những hốc đá trắng dùng để sản xuất rượu vang thương mại dưới triều đại Sennacherib vào cuối thế kỷ thứ 8, đầu thế kỷ thứ 7 trước CN.

“Chúng tôi phát hiện 14 vị trí dùng để ép nho lấy nước để làm rượu vang”, ông Morandi Bonacossi cho biết.

Iraq là nơi có nhiều thành phố cổ xưa nhất. Bên cạnh đế chế Assyria, nơi đây còn từng là vùng đất của thành Babylon và nền văn minh Sumer của vùng Lưỡng Hà.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.