Phát hiện đường dây hối lộ lớn nhất thế giới

09/04/2017 14:56 GMT+7

Odebrecht, công ty xây dựng lớn nhất Mỹ Latin, có trụ sở tại Brazil, đã tạo ra vụ bê bối tham nhũng lớn nhất thế giới trong lịch sử hiện đại.

Theo CNN, mạng lưới hối lộ của Odebrecht trải rộng trên cả bốn lục địa, liên quan đến các quan chức của 12 quốc gia, trong đó có Mexico, Venezuela, Colombia, Argentina, Peru và Mozambique.
Trong khoảng thời gian từ 2001 đến 2016, công ty xây dựng này đã đưa gần 800 triệu USD tiền hối lộ cho các cá nhân. Số tiền này được các lãnh đạo Odebrecht vận chuyển đi khắp thế giới, thông qua một ngân hàng vỏ bọc, để đến túi của các chính trị gia. Có một số trường hợp, các khoản hối lộ phải đi qua cửa của bốn tài khoản ngân hàng ẩn danh trước khi đến được đích cuối cùng.
Hầu hết số tiền hối lộ này được dùng với mục đích nhằm lấy được các hợp đồng từ chính phủ trong việc xây đường cao tốc, làm cầu, xây đập... Các nhà điều tra đang xác định phạm vi hối lộ này có thể mở rộng “xúc tu” đến các hợp đồng xây dựng cho Olympic Rio 2016 và FIFA World Cup 2014.
Mỹ, Brazil và Thụy Sĩ là ba nước điều phối trong việc trừng phạt tài chính đối với Odebrecht. Tháng này, tòa án Mỹ sẽ ra phán quyết liệu Odebrecht có phải trả khoản tiền phạt kỷ lục lên đến 3,5 tỉ USD mà Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra hồi tháng 12.2016 hay không.
Về phía mình, Odebrecht thừa nhận về các vụ hối lộ, song lại cho biết họ không có khả năng trả tiền phạt.
Được biết án phạt trên chỉ là bước khởi đầu. Một số nước trong khu vực Mỹ Latin đang mở rộng các vụ điều tra riêng, do đó tiền phạt có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa.
“Trường hợp này là cuộc điều tra quan trọng nhất về tội phạm tham nhũng trong lịch sử khu vực”, Sergio Rodriguez, công tố viên liên bang Argentina đang điều tra Odebrecht, nói với CNN.
Các dấu hiệu đầu tiên của vụ hối lộ này xuất hiện cách đây ba năm khi Brazil điều tra một phi vụ có tên “Operation Car Wash”, dẫn đến việc bắt giữ một giám đốc điều hành tại Petrobras, công ty dầu mỏ của chính phủ Brazil.
Kết quả của cuộc điều tra tham nhũng giữa Petrobras và Odebrecht đã khiến hàng loạt chính trị gia và chủ doanh nghiệp có tiếng nhất tại Brazil phải vào tù. Vụ tai tiếng thời điểm đó cũng là một trong những lý do chính khiến cho kinh tế Brazil rơi vào giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử của quốc gia Nam Mỹ này.
Song càng đi sâu các nhà điều tra càng khám phá ra mức độ lan tỏa xuyên lục địa của phi vụ này. Nhiều nhà lãnh đạo ở khu vực Mỹ Latin, vốn từ lâu được biết đến với tỷ lệ tham nhũng cao, đã không thể đứng ngoài vòng tròn ''miễn nhiễm''.
Cụ thể, Tổng thống Colombia Manuel Santos vào tháng 3 vừa qua thừa nhận ông đã nhận một khoản tài trợ từ Odebrecht trong chiến dịch tái tranh cử tổng thống năm 2014. Nhưng ông Santos nói không biết nguồn gốc của số tiền này và kêu gọi điều tra.
Vào tháng 2.2017, cảnh sát Peru đã đột nhập vào nhà cựu Tổng thống Alejandro Toledo của nước này vì nghi ngờ ông đã nhận hối lộ từ công ty xây dựng Brazil. Ông Toledo sau khi phủ nhận cáo buộc đã bỏ trốn. Hiện ông được cho là đang ở Mỹ và có thể phải đối mặt với án tù.
Còn tình hình tại Brazil, nơi Odebrecht đặt trụ sở, cũng không mấy sáng sủa hơn. Cựu Tổng thống Luiz Inacio da Silva, đang phải đối mặt với tù tội vì đã dùng tiền hối lộ của Odebrecht để phục vụ cho kinh doanh nhà nghỉ riêng của mình. Tuần trước, cựu Chủ tịch Hạ viện Brazil, ông Eduardo Cunha, đã bị kết án 15 năm tù vì ba cáo buộc rửa tiền. Tổng thống Brazil hiện tại Michel Temer đã mất 5 quan chức nội các kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5.2016.
Dù vậy, có một điều đáng nói ở đây đó là với điều kiện nền kinh tế trên khắp Mỹ Latin đang gặp khó khăn, đặc biệt là Brazil với tỷ lệ thất nghiệp cao, nếu Odebrecht bị phá sản vì phải đóng phạt sẽ khiến hàng ngàn người bị thất nghiệp, chưa kể đến nhiều công ty khác đang kinh doanh phụ thuộc vào Odebrecht cũng gặp khó khăn. Do đó, nhiều khả năng công ty xây dựng này sẽ được phép tiếp tục hoạt động.
“Không ai muốn Odebrecht bị phá sản. Chính phủ muốn bảo vệ công ăn việc làm nên công ty này có thể sẽ tồn tại, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc quy mô của nó sẽ còn được như trước”, Alexandre Garcia, Phó giám đốc Fitch Ratings tại Brazil, nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.