Tuy nhiên, hóa ra ngủ đủ giấc vẫn chưa đủ, trong nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí sức khỏe Journal of Epidemiology & Community Health, các nhà khoa học đã cảnh báo có một kiểu ngủ có thể làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ.
Hầu hết các nghiên cứu đều tập trung tìm hiểu tác động của thời lượng giấc ngủ đến sức khỏe mà ít biết về tác động của các kiểu ngủ, đặc biệt là tác động của giờ ngủ thất thường, không đều, còn gọi là chu kỳ ngủ thức không đều, theo chuyên trang y khoa Medical Express.
Nhằm khám phá thêm về vấn đề này, các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu, Bệnh viện nhi Eastern Ontario và Đại học Ottawa (Canada) phối hợp với các chuyên gia tại Đại học Sydney và Đại học Monash (Úc) cùng với các học giả tại Đại học Columbia (Mỹ), đã tiến hành nghiên cứu bao gồm dữ liệu của 72.269 người tham gia trong độ tuổi từ 40 - 79, từ ngân hàng sinh học của Anh UK Biobank, không ai trong số họ có tiền sử mắc các biến cố tim mạch lớn.
Những người tham gia được đeo máy để ghi lại giấc ngủ của mình, nhằm tính điểm Chỉ số đều đặn giấc ngủ (SRI) của từng người. Chỉ số này nói lên khả năng một người đi ngủ cùng một thời điểm mỗi ngày và thức dậy cũng cùng một giờ mỗi ngày.
Những người có SRI trên 87 được xem là có giờ ngủ đều đặn, trong khi những người có SRI dưới 72 được phân loại là người có giờ ngủ thất thường, không đều. Những người có SRI nằm trong khoảng từ 72 - 87 được xem là có giờ ngủ không đều ở mức trung bình.
Các tác giả đã thu thập các trường hợp tử vong do tim mạch, đau tim, suy tim và đột quỵ trong 8 năm tiếp theo để tính toán nguy cơ mắc các biến cố này cho từng kiểu ngủ.
Ngủ đủ giấc nhưng người lớn tuổi cần chú ý điều gì để duy trì sức khỏe
Kết quả đã phát hiện giờ ngủ không đều làm tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch nghiêm trọng như đau tim và đột quỵ, ngay cả vẫn đảm bảo ngủ đủ giấc.
Cụ thể, những người có giờ ngủ thất thường có nguy cơ mắc biến cố tim mạch nghiêm trọng cao hơn 26% so với những người có giờ ngủ đều đặn, theo Medical Express.
Ngay cả người ngủ không đều ở mức trung bình vẫn có nguy cơ mắc biến cố này cao hơn 8%.
Phân tích chi tiết cho thấy điểm SRI càng cao, tức giờ ngủ càng đều, thì nguy cơ mắc biến cố tim mạch càng giảm.
Lượng giấc ngủ được khuyến nghị là 7 - 9 giờ mỗi đêm đối với người từ 18 đến 64 tuổi và 7 - 8 giờ mỗi đêm đối với người từ 65 tuổi trở lên. Kết quả cũng phát hiện người có giờ ngủ đều đặn có khả năng ngủ đủ mức khuyến nghị cao hơn - 61% so với 48% ở người có giờ ngủ thất thường.
Đáng chú ý, ngay cả ở người ngủ đủ giấc theo mức khuyến nghị, có giờ ngủ thức thất thường ở mức trung bình vẫn làm tăng nguy cơ mắc biến cố tim mạch nghiêm trọng.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng đi ngủ giờ giấc thất thường làm tăng mạnh nguy cơ mắc các biến cố tim mạch nghiêm trọng ở người lớn tuổi, cho dù có ngủ đủ giấc hay không.
Họ nói thêm, kết quả này cho thấy cần phải chú ý nhiều hơn đến việc có giờ ngủ đều đặn do vai trò tiềm tàng của nó đối với sức khỏe tim mạch, theo Medical Express.
Bình luận (0)