Hành tinh mới được phát hiện, được đặt tên HD 63433d, là hành tinh gần nhất và trẻ nhất (dưới 500 triệu năm tuổi) có kích cỡ trái đất lọt vào tầm quan sát của giới thiên văn học từ trước đến nay.
HD 63433d là hành tinh thứ ba được tìm thấy xung quanh sao HD 63433. Bản thân sao trung tâm cũng có kích thước tương tự và khá giống mặt trời của chúng ta, nhưng trẻ hơn.
Hệ sao HD 63433 cách trái đất khoảng 73 năm ánh sáng và đủ sáng để có thể nhìn thấy được từ trái đất bằng ống nhòm.
Các nhà nghiên cứu hy vọng khoảng cách gần như thế này có thể cho phép nhân loại nghiên cứu kỹ lưỡng thế giới nhiều khả năng là phiên bản trẻ trung hơn của trái đất.
"Đó là một hành tinh có ích vì nó có thể giống như trái đất lúc sơ khai", theo đồng tác giả Melinda Soares-Furtado của Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ).
"Hành tinh nằm ở sân sau của hệ mặt trời, và điều đó thật sự gây phấn khích", bà Soares-Furtado cho biết.
Thế nhưng, mức độ tương tự với trái đất của HD 63433d cũng có giới hạn. Hành tinh cỡ trái đất này bị khóa một mặt về hướng sao trung tâm, và nhiệt độ ở bề mặt này có thể lên đến 1.260 độ C, đồng thời mặt đất có thể tràn trề dung nham nóng chảy.
Với khoảng cách quá gần sao trung tâm, một năm của HD 63433d chỉ bằng 4,2 ngày trên trái đất.
Bình luận (0)