Phát hiện hành tinh xanh

14/07/2013 03:00 GMT+7

Lần đầu tiên các nhà thiên văn học đã có thể xác định được màu sắc thực sự của một hành tinh ngoài hệ mặt trời, đang quay quanh một ngôi sao khác cách chúng ta 63 năm ánh sáng.

Nhờ kính Hubble, Giáo sư Tom Evans của Đại học Oxford (Anh), cho biết nhóm của ông đã phân tích quang phổ của ánh sáng thấy được của hành tinh HD 189733b, và phát hiện nó có màu xanh biếc như trái đất. Tuy nhiên, điểm tương đồng chỉ dừng lại ở đây.

Dù có bề ngoài hết sức hiền hòa nhưng nó lại là một hành tinh khí khổng lồ, được liệt vào dạng “sao Mộc nóng”, có quỹ đạo cực gần ngôi sao trung tâm nên nhiệt độ bề mặt phải hơn 1.000 độ C. Thời tiết trên HD 189733b cũng đặc biệt khắc nghiệt, chẳng hạn như mưa thủy tinh với gió giật ở tốc độ 7.000 km/giờ.

Do vậy, cái màu xanh biếc của hành tinh này không phải đến từ sự phản xạ của biển nhiệt đới, mà xuất phát từ bầu khí quyển mờ mịt sương mù và hỗn loạn, pha lẫn các hạt silicate, theo báo cáo đăng trên chuyên san Astrophysical Journal Letters.

 Thụy Miên

>> Năng lượng sạch cho hành tinh xanh
>> Từ những “Ý tưởng xanh” đến một hành tinh xanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.