CNN đưa tin hóa thạch 25 triệu năm tuổi mới được phát hiện là của một con Archaehierax sylvestris, một trong những loài đại bàng lâu đời nhất trên thế giới.
Phát hiện được nêu ra trong một nghiên cứu công bố ngày 27.9 trên tạp chí History Biology. Các nhà cổ sinh vật học từ Đại học Flinders tại thành phố Adelaide của Úc đã khai quật hóa thạch vào tháng 3.2016 ở một trang trại gia súc trong chuyến đi nghiên cứu tại Hồ Pinpa ở Nam Úc.
Theo nghiên cứu, Archaehierax là loài đại bàng lớn nhất từng sống ở Úc trong thế Oligocen, có niên đại khoảng 33,9 triệu đến 23 triệu năm trước. Loài này nhỏ hơn và mảnh mai hơn đại bàng đuôi nhọn, loài chim săn mồi lớn nhất của Úc ở thời hiện đại, theo Bảo tàng Tây Úc.
|
Với đôi chân dài gần 15 cm, đại bàng Archaehierax có khả năng tóm được những con mồi lớn. Các nhà khoa học cho biết con mồi của chúng là một loài koala đã tuyệt chủng, có kích thước tương đương với loài gấu koala còn sống ngày nay, cũng như thú có túi và các loài động vật khác sống trên cây.
“Những động vật ăn thịt thú có túi lớn nhất vào thời điểm đó chỉ có kích thước bằng một con chó nhỏ hoặc con mèo lớn. Vì vậy, Archaehierax chắc chắn là loài thống trị”, bà Ellen Mather, tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Bộ xương hóa thạch bao gồm 63 xương, khiến Archaehierax sylvestris trở thành một trong những loài được tìm thấy trong tình trạng nguyên vẹn nhất quanh Hồ Pinpa. Bà Mather cho biết sự hoàn chỉnh của bộ xương cho phép các nhà nghiên cứu xác định vị trí của nó trên cây phả hệ của đại bàng.
"Nó có một loạt các đặc điểm không giống với bất kỳ đặc điểm nào được tìm thấy ở diều hâu và đại bàng hiện đại. Loài này dường nằm trong một nhánh riêng của họ đại bàng”, bà Mather nói thêm.
Hóa thạch cho thấy đôi cánh của loài đại bàng này ngắn so với kích thước của nó, giúp chúng trở nên nhanh nhẹn hơn và có thể né tránh cây cối trong khi săn mồi. Chân của loài này tương đối dài, sẽ giúp chúng có tầm với đáng kể. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học không cho biết lý do và thời điểm loài này tuyệt chủng.
Bình luận (0)