Phát hiện khảo cổ mới về cuộc sống của nô lệ thời La Mã cổ đại

21/08/2023 09:59 GMT+7

"Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một phòng ngủ nhỏ trong một biệt thự La Mã gần Pompeii được những người nô lệ sử dụng, làm sáng tỏ thêm địa vị của họ trong thế giới cổ đại", Bộ Văn hóa Ý cho biết hôm 20.8.

Căn phòng được các nhà khảo cổ tìm thấy tại biệt thự Civita Giuliana, cách bức tường thành Pompeii khoảng 600 mét về phía bắc, nơi đã bị xóa sổ bởi một vụ phun trào núi lửa Vesuvius gần 2.000 năm trước, theo Reuters.

Căn phòng có 2 chiếc giường, trong đó chỉ một chiếc giường có đệm, 2 chiếc tủ nhỏ, một loạt bình và đồ đựng bằng gốm, cả cốt của những con chuột.

Phát hiện khảo cổ mới về cuộc sống của nô lệ thời La Mã cổ đại - Ảnh 1.

Căn phòng có 2 chiếc giường, 2 chiếc tủ nhỏ và một số vật dụng

REUTERS

"Những chi tiết này một lần nữa nhấn mạnh điều kiện bấp bênh và vệ sinh kém mà tầng lớp thấp hơn trong xã hội sống trong thời gian đó", Bộ Văn hóa Ý cho biết trong một tuyên bố.

Các vật liệu như đồ nội thất và vải, được bao phủ bởi các mảnh đá, khí và tro từ Vesuvius, đã bị phân hủy qua nhiều năm. 

Các nhà khảo cổ còn thấy rõ cả đường viền của một chiếc chăn nhàu nát còn sót lại trên tấm lưới trải giường. "Trông nó giống như một bức ảnh... Tuy nhiên, đây là hình ảnh từ gần 2.000 năm trước", Bộ Văn hóa Ý xác nhận. 

Đời sống nô lệ La Mã cổ đại hiện ra dưới lớp tro bụi gần Pompeii

Ngoài ra, không tìm thấy dấu vết nào của lưới, ổ khóa hoặc dây xích để hạn chế sự đi lại của cư dân sống trong phòng. Gabriel Zuchtriegel, Giám đốc Công viên Khảo cổ học Pompeii cho biết: "Có vẻ như sự kiểm soát chủ yếu được thực hiện thông qua tổ chức nô lệ nội bộ, thay vì các rào cản và hạn chế vật lý".

Các cuộc khai quật tại biệt thự Civita Giuliana được thực hiện vào năm 1907-1908, và sau đó một lần nữa từ năm 2017, khi cảnh sát nhận ra địa điểm này đang bị những kẻ đào bới trái phép cướp bóc.

Phát hiện khảo cổ mới về cuộc sống của nô lệ thời La Mã cổ đại - Ảnh 2.

Bên trong căn phòng vừa được khai quật

REUTERS

Các nhà khảo cổ cho biết, một phần của một trong những chiếc giường đã bị phá hủy bên trong một đường hầm được bọn cướp sử dụng để tiếp cận phần khác của biệt thự.

Pompeii và vùng nông thôn xung quanh bị nhấn chìm bởi tro bụi núi lửa Vesuvius vào năm 79 sau Công nguyên, chôn vùi hàng nghìn người La Mã

Địa điểm này đã chứng kiến sự bùng nổ của các hoạt động khảo cổ gần đây nhằm ngăn chặn tình trạng mục nát và bị lãng quên của nhiều di tích, phần lớn nhờ vào một dự án do EU tài trợ trị giá 115 triệu USD.

Bộ xương kể gì về cái chết trong thảm họa núi lửa Pompeii?

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Ý Gennaro Sangiuliano cho biết hôm 20.8 rằng các nỗ lực bảo tồn và nghiên cứu sẽ tiếp tục. Ông nói: "Những gì chúng ta đang tìm hiểu về điều kiện vật chất và tổ chức xã hội của thời đó mở ra những chân trời mới cho các nghiên cứu lịch sử và khảo cổ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.