Phát hiện Kinh Phật thời cổ đại được viết trên lá thốt nốt

01/08/2021 15:00 GMT+7

Vào thời cổ đại, có 2 loại lá dùng để viết Kinh Phật, đó là lá thốt nốt và lá bối. Những kinh văn được viết trên đó tập trung chủ yếu ở Ấn Độ, Nepal, Tây Tạng, Trung Á, về sau lan dần đến Đông Nam Á.

Cây thốt nốt (Borassus Flabellofer) có lá từng dùng để viết kinh Phật là loài cây thuộc họ cau (Arecaceae), có nguồn gốc từ tiểu lục địa Ấn Độ và Đông Nam Á, du nhập vào nhiều nơi khác, kể cả Trung Quốc
Ở Việt Nam, cây thốt nốt phân bố nhiều nơi, một số tập trung ở khu vực thuộc huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên của tỉnh An Giang. Cái tên thốt nốt xuất phát từ tiếng Khmer, đọc là Tnot hoặc Thnot, song còn được gọi chung là Daem tnaot (ដើមត្នោត). Nhiều người gọi cây thốt nốt là thốt lốt, do đọc trại phụ âm n thành l.

Cây thốt nốt (Borassus Flabellofer)

Ảnh: T.L

Thốt nốt là loài cây thân thẳng, có thể đạt chiều cao 30 m, trồng mất khoảng 20 năm mới cho thu hoạch lần đầu và có thể sống hơn 100 năm tuổi. Ở Campuchia, ngoài Skor Tnot (đường thốt nốt), người ta còn lên men tự nhiên để sản xuất Teuk Tnot Chou (nước thốt nốt có vị chua) và Teuk Khmes Tnot (giấm thốt nốt). Quả thốt nốt non và chín đều có thể làm nhiều món ăn; còn lá thì đan thành một số vật liệu như nón, giỏ, chiếu, thậm chí dùng để làm nhiều đồ lưu niệm, bao bì đẹp mắt.

Kinh Phật từng được viết trên 'giấy lá'

Có từ điển cho rằng loại lá dùng để chép kinh Phật vào thời cổ đại là lá thốt nốt, còn gọi là bối đa. Song thực ra đây là 2 loại lá khác nhau, thuộc 2 loài khác nhau.
Người Trung Quốc gọi cây thốt nốt (Borassus Flabellofer) là đường tông (糖棕); còn cây bối (Corypha umbraculifera) là bối đa thụ (貝多樹) hay bối đa la thụ (貝多羅樹). Cả hai loại lá này đều được dùng để ghi văn bản từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên hoặc sớm hơn nữa.

Những loại bút Stylus thời Trung cổ dùng để viết trên lá thốt nốt

Ảnh: T.L TÁC GIẢ

Một trong những phương pháp chế biến "giấy lá" là: trước hết người ta nấu chín và sấy khô lá thốt nốt hay lá bối. Sau đó, họ sử dụng loại bút stylus (bút trâm) để ghi các chữ cái. Họ phủ chất tạo màu tự nhiên lên bề mặt lá, cho mực bám theo các rãnh. Quá trình này tương tự như in intaglio. Sau đó, họ dùng một miếng vải sạch lau mực thừa, thế là hoàn thành văn bản viết trên lá.
Mỗi tờ lá thường có 1 lỗ để luồn dây, buộc lại với nhau bằng dây để có 1 quyển sách. Mỗi dòng chữ bằng lá được tạo ra thường tồn tại khoảng vài thập kỷ cho tới 600 năm trước khi nó bị mục nát do ẩm ướt, do côn trùng hay nấm mốc...Vì vậy, văn bản cần được sao chép vào những bộ lá khô mới.

Kinh văn Phật giáo được viết trên lá ở Myanmar (thế kỷ 19)

Ảnh: T.L TÁC GIẢ

Trong Phật giáo người ta chép kinh văn trên lá bối và gọi là kinh lá bối hay bối diệp kinh (貝葉經). Một trong những văn bản lá thốt nốt và lá bối cổ nhất còn sót lại là bản thảo Spitzer – một tập lá được tìm thấy trong hang động Kizil, tức Khắc Tư Nhĩ thiên Phật động theo cách gọi của người Trung Quốc. Chúng có niên đại khoảng thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên và là bản thảo triết học cổ nhất được biết viết bằng tiếng Phạn; một kinh văn khác hoàn chỉnh là văn bản của đạo Shaivism cũng viết bằng Phạn ngữ từ thế kỷ thứ 9.
Văn bản kinh Phật viết trên lá cây thốt nốt thời cổ đại ở Nepal cũng từng được phát hiện và hiện vẫn còn được lưu giữ tại Thư viện Đại học Cambridge (Anh). Nhìn chung, những kinh văn trên lá thốt nốt và lá bối bao gồm đề tài về triết học, thơ ca, ngữ pháp hoặc những chủ đề khác. Những kinh văn này tập trung ở Ấn Độ, Nepal, Tây Tạng và Trung Á, về sau lan dần đến Đông Nam Á như Indonesia, Campuchia, Thái Lan và Philippines…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.