Sau thời gian khai quật, các nhà khảo cổ xác nhận tàn tích nằm bên dưới hồ Ohrid, vùng hồ giữa biên giới Bắc Macedonia và Albania, từng là nơi cư trú của cộng đồng người cách đây 8.500 năm, theo báo USA Today hôm 20.8.
Hồ Ohrid là một trong những vùng hồ cổ nhất thế giới, với độ sâu trung bình 155 m, và nơi sâu nhất lên đến 288 m.
Kết quả giám định đồng vị carbon cho thấy dấu vết định cư của con người từng xuất hiện ở đây từ năm 6000 đến 5800 trước công nguyên.
"Khu định cư có niên đại sớm hơn vài trăm năm so với các cộng đồng ở Địa Trung Hải và vùng Alpes", theo giáo sư khảo cổ học Albert Hafner của Đại học Bern (Thụy Sĩ).
"Theo kiến thức của chúng tôi, đây là ngôi làng cổ nhất châu Âu", giáo sư Hafner xác nhận.
Ông Hafner cùng các đồng nghiệp Thụy Sĩ và Albania đã dành 4 năm qua để khảo sát tàn tích bên dưới hồ. Những gì thu thập được cho thấy nơi đây từng có từ 200 đến 500 người ở, và được bao quanh bởi các lớp hàng rào phòng vệ dưới dạng các tấm ván có gai.
Bí ẩn gì đằng sau 6 bộ xương dưới hang động Tây Ban Nha?
Để xây dựng cơ sở phòng thủ quy mô như thế này, dân làng khi xưa phải đốn hạ cả một khu rừng, ông Hafner cho biết. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ lý do người xưa phải tìm cách bảo vệ ngôi làng ở mức độ chặt chẽ đến thế.
Bình luận (0)