(TNO) Các nhà nghiên cứu Ấn Độ cho biết họ đã tiến gần hơn đến việc chế tạo một chiếc mũi điện tử có thể phát hiện bệnh lao phổi qua hơi thở, cung cấp sự chẩn đoán nhanh chóng giúp bảo vệ hàng ngàn sinh mạng.
Theo hãng tin AFP, E-Nose là sản phẩm cầm tay vận hành bằng pin, tương tự thiết bị thử nồng độ rượu qua hơi thở mà cảnh sát hay dùng để “bắt giò” tài xế say xỉn.
Một bệnh nhân thổi vào thiết bị và các cảm biến ghi nhận các dấu hiệu bệnh lao trong những "giọt" hơi thở, dẫn đến việc phát hiện bệnh ngay lập tức với độ chính xác cao.
E-Nose là dự án hợp tác giữa Trung tâm kỹ thuật di truyền và Công nghệ sinh học quốc tế ở New Delhi (Ấn Độ) và Công ty Next Dimension Technologies ở bang Californina (Mỹ).
“Chúng tôi hy vọng có một nguyên mẫu sẵn sàng cho thử nghiệm lâm sàng vào tháng 10.2013”, ông Ranjan Nanda, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Bệnh lao phổi cướp đi sinh mạng của gần 1,7 triệu người trên thế giới mỗi năm, và các nhà nghiên cứu ước tính E-Nose có thể bảo vệ khoảng 400.000 sinh mạng mỗi năm ở các nước đang phát triển thông qua chẩn đoán sớm, chữa trị và giảm truyền bệnh.
Bệnh lao phổi hiện được phát hiện thông qua các cuộc thử nghiệm đờm dãi vốn tốn kém và mất nhiều ngày.
Dự án nhận được khoản tài trợ 950.000 USD của Quỹ Bill & Melinda Gates và Grand Challenges Canada, một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các vấn đề y tế tại các nước đang phát triển.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có thể sử dụng công nghệ này để phát hiện sớm các bệnh khác như ung thư phổi và viêm phổi”, ông Nanda nhấn mạnh.
Mỗi E-Nose sẽ có giá khoảng 20-30 USD và với kích cỡ nhỏ gọn, vận hành bằng pin, thiết bị này sẽ rất hữu dụng ở những khu vực nông thôn tại các nước đang phát triển vốn thường thiếu hoặc không có điện sinh hoạt.
“Mục tiêu của chúng tôi là làm cho sản phẩm E-Nose trở nên sẵn dùng ở những vùng sâu, vùng xa, nghèo khổ, nơi bệnh lao phát sinh và lây lan, tàn phá cuộc sống của nhiều người”, ông Nanda nói.
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm lây lan qua không khí. Nếu không được chữa trị, mỗi người bị lao đang tiến triển có thể lây nhiễm bình quân 10-15 người mỗi năm, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Quyên Quân
Bình luận (0)