Hóa thạch một loại nấm cổ tồn tại cách đây 440 triệu năm vừa được giới khoa học xác nhận là hóa thạch cổ nhất từng tìm thấy trên đất liền. Thậm chí, nó có thể là nhân tố xúc tác, kích hoạt sự sống trên mặt đất.
Hóa thạch nấm Tortotubus được xem là hóa thạch cố nhất trên đất liền - Ảnh chụp màn hình Mirror |
Đây được xem là phát hiện đáng kinh ngạc. Các nhà khoa học cho rằng loại nấm này có vai trò then chốt trong quá trình tiến hóa của sự sống trên mặt đất, theo Mirror.
Nó giúp lấp đầy khoảng trống tiến hóa của sự sống. Lần đầu tiên, những vùng đất khô cằn trên hành tinh xuất hiện nấm. Loại nấm nguyên thủy đó đã khởi đầu cho giai đoạn bùng nổ sự sống trên mặt đất.
Các nhà khoa học gọi là nấm Tortotubus. Nhờ nó, những loại thực vật có cấu trúc phức tạp hơn đã xuất hiện, nhiều động vật thời khởi thủy sau khi rời khỏi mặt nước cũng có thể tồn tại.
“Trong thời kỳ loại nấm này tồn tại, sự sống hầu như chỉ tồn tại ở đại dương. Mặt đất ảm đạm chỉ toàn rêu và những thực vật có cấu trúc đơn giản giống địa y”, tiến sĩ Martin Smith của Đại học Durham (Anh) cho biết.
“Hóa thạch cho thấy nấm có thể đã xâm chiếm mặt đất trước cả khi những động vật đầu tiên rời khỏi đại dương”, ông nói thêm.
Trước đây, các nhà khoa học cho rằng sự sống đầu tiên trên mặt đất xuất hiện cách đây 500 đến khoảng 450 triệu năm. Nhưng để các dạng sống phức tạp phát triển cần có các yếu tố dinh dưỡng cần thiết.
Nấm Tortotubus sau khi chết đã phân hủy trở thành chất mùn làm đất màu mỡ. Sự màu mỡ này đã cung cấp các điều kiện cần thiết để các loại thực vật có rễ xuất hiện. Thực vật có rễ lại cung cấp thức ăn cho động vật từ mặt biển đi lên đất liền.
Bình luận (0)