Virus nói trên thuộc loại được gọi là thể thực khuẩn, vốn lây nhiễm và nhân lên bên trong vi khuẩn, theo Đài Sky News hôm nay 21.9.
Loại virus mới được phát hiện được tìm thấy ở độ sâu 8.900 m ở rãnh Mariana. Độ sâu gần 11.000 m tại rãnh này là điểm thấp nhất của Thái Bình Dương.
Nhà virus học biển Min Wang từ Đại học Hải dương Trung Quốc cho hay: "Theo kiến thức tốt nhất của chúng tôi, đây là thể thực khuẩn biệt lập sâu nhất được biết đến trong đại dương toàn cầu này".
Sau khi phân tích bộ gen của loại virus mới không thể lây nhiễm sang người này, các nhà khoa học đặt tên cho nó là vB_HmeY_H4907.
Dù chỉ mới được phát hiện, các nhà nghiên cứu tin rằng vB_HmeY_H4907 có khả năng phân bố rộng rãi ở Thái Bình Dương.
Virus vB_HmeY_H4907 có cấu trúc tương tự như nhóm vi khuẩn halomonas, thường được tìm thấy trong trầm tích và những khe hở giống như mạch nước phun dưới đáy biển.
Tái sinh virus "xác sống" 50.000 năm dưới hồ băng có đáng lo?
Tiến sĩ Wang cho hay điểm nổi bật của virus vB_HmeY_H4907 có thể cung cấp thông tin nghiên cứu sâu hơn về chiến lược sinh tồn của virus trong một số môi trường khắc nghiệt và hẻo lánh nhất trên Trái đất.
"Môi trường khắc nghiệt mang lại triển vọng tối ưu cho việc phát hiện các loại virus mới", ông Wang cho biết thêm.
Phát hiện mới nói trên đã được đăng trên chuyên san Microbiology Spectrum.
Bình luận (0)