Phát hiện mới về cách ăn giúp giảm đường huyết và huyết áp cao

29/09/2023 00:06 GMT+7

Nghiên cứu mới, được công bố trên tập san học thuật Circulation, đã phát hiện ra rằng việc tăng cường tiêu thụ nhiều trái cây và rau quả giúp giảm đáng kể chỉ số đường huyết HbA1c và huyết áp cao.

Các chuyên gia từ Đại học Tufts (Mỹ) đã phân tích dữ liệu từ gần 4.000 người đã mắc hay có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường, béo phì hoặc huyết áp cao, theo trang tin Parade.

Phát hiện mới về cách ăn giảm cả đường huyết và huyết áp cao - Ảnh 1.

Những người tiêu thụ nhiều trái cây và rau quả có huyết áp, lượng đường trong máu và chỉ số khối cơ thể thấp hơn

SHUTTERSTOCK

Những người tham gia được tặng phiếu mua trái cây và rau quả miễn phí trong tối đa 10 tháng.

Kết quả cho thấy những người tiêu thụ nhiều trái cây và rau quả có huyết áp, lượng đường trong máu và chỉ số khối cơ thể thấp hơn.

Chỉ cần tiêu thụ thêm 1 khẩu phần trái cây và rau quả mỗi ngày đã giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả có hiệu quả bằng một nửa tác dụng của thuốc điều trị.

Đây là cách tuyệt vời để ngăn ngừa và hướng tới việc đảo ngược một số bệnh, tiến sĩ - bác sĩ Ron Hunninghake, Giám đốc Y tế tại Phòng khám Riordan (Mỹ), cho biết.

Phát hiện mới về cách ăn giảm cả đường huyết và huyết áp cao - Ảnh 2.

Tiêu thụ thêm 1 khẩu phần trái cây và rau quả mỗi ngày đã giúp giảm nguy cơ mắc bệnh

SHUTTERSTOCK

Bác sĩ Hunninghake nói: Bổ sung trái cây và rau quả, đồng thời cắt giảm đồ ngọt, thực phẩm chế biến sẵn, có thể giúp người bệnh về hội chứng chuyển hóa - như bệnh tiểu đường, giảm thuốc điều trị bệnh.

Tuy nhiên, bác sĩ cũng lưu ý, cho dù đã tập được thói quen ăn nhiều trái cây và rau quả hơn thì người bệnh vẫn không nên tự ý ngừng dùng thuốc.

Bác sĩ Hunninghake chỉ rõ chế độ ăn uống lành mạnh nói chung, đặc biệt là trái cây và rau quả, là chìa khóa để ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tật.

Các dưỡng chất thực vật trong trái cây và rau quả góp phần kiểm soát hội chứng chuyển hóa - là nguyên nhân gốc rễ gây ra nhiều bệnh, bao gồm bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường, mất trí nhớ, và thậm chí cả ung thư.

Giáo sư Mitchell Elkind, Giám đốc Khoa học lâm sàng của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, cũng cho biết: Dinh dưỡng kém lành mạnh là nguyên nhân chính gây ra bệnh mạn tính trên toàn cầu, gồm các bệnh như tiểu đường và các biến chứng tim mạch, bao gồm suy tim, đau tim và đột quỵ, theo tờ Mirror.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.