Gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ chất béo dư thừa trong gan. Đây là dạng bệnh gan phổ biến nhất, ảnh hưởng đến gần 1/3 dân số toàn cầu, theo chuyên trang y tế Revyuh News.
Gan nhiễm mỡ nếu không được điều trị, trong một số trường hợp có thể phát triển thành viêm gan và có thể tiến triển thành xơ gan, suy gan, thậm chí là ung thư gan. Tình trạng này cũng có thể làm trầm trọng thêm bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch.
Nghiên cứu đã phát hiện điều gì?
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng bệnh nhân gan nhiễm mỡ thường có hệ vi sinh vật đường ruột mất cân bằng. Điều này đã thúc đẩy Giáo sư Huating Li, Bệnh viện Shanghai Sixth People’s (Trung Quốc) và nhóm nghiên cứu tìm hiểu về những lợi ích tiềm năng của tinh bột kháng - một loại chất xơ có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh.
Thử nghiệm bao gồm 200 bệnh nhân gan nhiễm mỡ, kéo dài 16 tuần. Số người này được chia thành 2 nhóm:
Một nửa số người tham gia được bổ sung tinh bột kháng có nguồn gốc từ bắp
Nhóm đối chứng gồm một nửa còn lại, được cung cấp loại tinh bột không phải tinh bột kháng với lượng calo tương đương.
Những người tham gia được hướng dẫn hòa tan 20 gram tinh bột của họ trong 300 ml nước và tiêu thụ trước bữa ăn, 2 lần một ngày trong 16 tuần.
Kết quả cho thấy nhóm sử dụng tinh bột kháng đã giảm gần 40% lượng mỡ trong gan so với nhóm đối chứng. Đồng thời, nồng độ men gan và các dấu hiệu viêm và tổn thương gan cũng giảm đáng kể ở nhóm này, theo Revyuh News.
Giáo sư Huating Li cho biết sẽ rất có ý nghĩa nếu có thể tìm ra cách tiếp cận hiệu quả để điều trị bệnh gan nhiễm mỡ.
Phân tích mẫu phân cho thấy những người trong nhóm dùng tinh bột kháng có thành phần vi khuẩn đường ruột khác so với nhóm đối chứng. Cụ thể, loại vi khuẩn có liên quan đến chuyển hóa mỡ ở gan Bacteroides stercoris, đã giảm đáng kể.
Ngoài ra, khi cấy vi khuẩn đường ruột cho những con chuột có chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều cholesterol - được điều trị bằng tinh bột kháng, lượng mỡ trong gan giảm đáng kể và mô gan được cải thiện đáng kể.
Nguồn tinh bột kháng
Tinh bột kháng có nhiều trong yến mạch, gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, khoai tây chín để nguội, chuối xanh, các loại đậu..., theo Healthline.
Bình luận (0)