Phát hiện mới về chứng nấc cụt khó chữa

06/08/2018 10:03 GMT+7

Nấc cụt ngắn đủ gây phiền hà cho các hoạt động hằng ngày và sẽ càng phiền hơn nếu nấc cụt kéo dài hơn một tháng hoặc lâu hơn nữa, theo UPI.

Trường hợp nấc cụt dài nhất được ghi nhận là một nông dân ở bang Iowa (Mỹ) bị nấc liên tục trong 69 năm và 9 tháng, theo Sách kỷ lục Guinness.

Trong hầu hết các trường hợp, nấc cụt dai dẳng (hai ngày trở lên) và nấc cụt khó chữa (một tháng trở lên) có liên quan đến các tình trạng bệnh lý cơ bản, hai nhà thần kinh học là tiến sĩ Stasia Rouse và Matthew Wodziak viết trong một bài báo mới.
Nấc cụt mạn tính ảnh hưởng đến việc ăn uống, giao tiếp và ngủ, và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, theo bài báo.
Mỗi năm tại Mỹ có khoảng 4.000 người phải nhập viện vì nấc cụt. Nam giới chiếm 91% trong số các ca, và hầu hết đều trên 50 tuổi, theo hai tiến sĩ trên công tác tại Trung tâm Y tế Đại học Loyola ở Maywood (Mỹ).
Những tác nhân gây nấc cụt thường gặp bao gồm uống đồ uống có ga, ăn quá no, lo âu và căng thẳng, rượu, gia vị, hút thuốc hoặc những chất kích thích tiêu hóa hoặc đường hô hấp khác, theo các nhà nghiên cứu.
Nấc cụt khó chữa thường có nguyên nhân cơ bản. Ví dụ, nấc cụt có thể bắt nguồn từ viêm khớp ở khớp nối xương cổ với xương ngực; hoặc nấc cụt do cục máu đông ở phổi.
Một số loại thuốc cũng có thể kích hoạt nấc cụt, theo hai nhà thần kinh học Rouse và Wodziak.
Vì không có hướng dẫn chính thức về điều trị nấc cụt khó chữa, nhiều bác sĩ dựa vào kinh nghiệm riêng bằng cách kê toa với nhiều loại thuốc khác nhau. Các biện pháp khác có thể bao gồm thôi miên, châm cứu và nuốt đường cát.
Báo cáo được công bố trên Tạp chí Báo cáo Khoa học thần kinh và Thần kinh hiện hành (Current Neurology and Neuroscience Reports).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.