Phát hiện mới về đột biến giúp Omicron tránh được hệ thống miễn dịch

04/12/2021 11:23 GMT+7

Theo các nhà nghiên cứu, biến thể Omicron đã có được ít nhất một đột biến từ vật liệu di truyền của một loại virus khác.

Người dân xếp hàng tại một điểm xét nghiệm Covid-19 lưu động ở New York, Mỹ ngày 3.12

reuters

Reuters ngày 4.12 đưa tin các nhà nghiên cứu từ công ty phân tích dữ liệu Nference ở Cambridge, bang Massachusetts (Mỹ) phát hiện biến thể Omicron có thể đã sở hữu ít nhất một đột biến bằng cách lấy vật liệu di truyền của một virus khác tồn tại trong cùng tế bào.

Nghiên cứu này chưa qua bình duyệt và được đăng trên trang web OSF Preprints ngày 2.12.

Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng một chuỗi gien của Omicron không xuất hiện trong bất kỳ biến thể SARS-CoV-2 nào trước đó nhưng lại phổ biến ở nhiều loại virus khác, bao gồm virus gây cảm lạnh và cả trong bộ gien người.

Nam Phi đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ tư do chủng Omicron

Ông Venky Soundararajan, chủ nhiệm đề tài, cho biết khi lấy được đoạn gien này, Omicron có thể tự làm cho mình trông "giống con người hơn” và tránh được sự tấn công của hệ thống miễn dịch.

Điều này còn có thể giúp virus lây truyền dễ dàng hơn trong khi chỉ gây ra bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng. Các nhà khoa học vẫn chưa biết khả năng lây nhiễm, độc lực của Omicron và liệu nó có vượt qua Delta để trở thành biến thể phổ biến nhất hay không. Đây là những vấn đề mất nhiều tuần để có lời giải.

Reuters dẫn lại các nghiên cứu trước đó cho biết các tế bào trong phổi và hệ tiêu hóa có thể chứa đồng thời SARS-CoV-2 và virus corona gây cảm lạnh thông thường khác. Đây là điều kiện để virus tái tổ hợp. Trong quá trình này, hai loại virus khác nhau trong cùng một tế bào chủ vừa tương tác, vừa nhân lên. Cuối cùng, chúng tạo ra các bản sao mới chứa vật liệu di truyền từ cả hai loại virus "bố mẹ".

Trong nghiên cứu, ông Soundararajan và các đồng nghiệp cho biết đột biến mới của Omicron có thể xảy ra lần đầu ở một người bị nhiễm SARS-CoV-2 và một loại virus khác. Đoạn mã di truyền trên xuất hiện nhiều lần ở một trong những loại virus corona gây cảm lạnh ở người được gọi là HCoV-229E và trong virus HIV gây ra bệnh AIDS, ông Soundararajan nói.

Nguồn gốc biến thể Omicron vẫn còn bí ẩn

Nam Phi, nơi Omicron được xác định lần đầu, có tỷ lệ lây nhiễm HIV cao nhất thế giới. Những người nhiễm HIV có hệ thống miễn dịch bị suy yếu, làm tăng khả năng bị nhiễm virus cảm lạnh thông thường cùng lúc với các mầm bệnh khác. Chuyên gia Soundararajan chỉ ra rằng tại Nam Phi có nhiều vật chủ cho quá trình tái tổ hợp để tạo ra biến thể Omicron.

Tuy vậy, những giả thuyết khác cho rằng Omicron có thể đã trải qua thời gian tiến hóa trên vật chủ là động vật. Ông Soundararajan nói trong thời gian chờ nghiên cứu thêm để xác nhận nguồn gốc các đột biến của Omicron và ảnh hưởng của chúng đối với độc lực cùng khả năng lây truyền, cần tiêm vắc xin để hạn chế khả năng mắc Covid-19 của những người bị suy giảm miễn dịch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.