Phát hiện mới về khung giờ ăn tốt nhất để phòng tránh bệnh tiểu đường

01/02/2025 09:09 GMT+7

Phương pháp truyền thống để giảm mỡ và kiểm soát đường huyết là chế độ ăn hạn chế calo.

Tuy nhiên, thực tế là phương pháp này rất khó duy trì. Giờ đây, nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Medicine, đã tìm ra cách hiệu quả để kiểm soát đường huyết và giảm mỡ mà không cần ăn kiêng khó khăn.

Theo đó, các nhà khoa học đã tìm ra khung giờ ăn tốt nhất để giảm mỡ bụng và ngăn ngừa đường huyết tăng đột biến giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, theo trang tin khoa học ScitechDaily.

Phát hiện mới về khung giờ ăn tốt nhất để phòng tránh bệnh tiểu đường- Ảnh 1.

Kết quả cho thấy nhóm nhịn ăn sớm - nghĩa là ăn trong khung giờ 9-17 giờ, đã cải thiện đáng kể mức đường huyết lúc đói và đường huyết qua đêm so với các nhóm khác

ẢNH MINH HỌA: AI

Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Granada, Đại học Công lập Navarra và Trung tâm Nghiên cứu Sinh học CIBER (Tây Ban Nha) dẫn đầu, đã tìm hiểu xem liệu thời điểm ăn có tác động đến việc giảm cân, giảm mỡ bụng hay sức khỏe tim mạch nói chung ở những người thừa cân hoặc béo phì không.

Nghiên cứu này là một phần trong luận án tiến sĩ của Manuel Dote-Montero, hiện là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Thận (NIDDK) danh tiếng của Mỹ.

Tổng cộng có 197 người trong độ tuổi 30-60 tham gia nghiên cứu kéo dài 12 tuần.

Những người tham gia được chia thành 4 nhóm:

  • Ăn bình thường: Thông thường, ở Tây Ban Nha, mọi người ăn sáng lúc 7-8 giờ và ăn tối lúc 21-22 giờ, như vậy khung thời gian ăn của họ kéo dài từ 12-14 tiếng. Trong thử nghiệm nhịn ăn gián đoạn này, khung thời gian ăn giảm từ 12-14 tiếng xuống còn 6-8 tiếng và thời gian nhịn ăn là 16-18 tiếng.
  • Nhịn ăn sớm: Khung giờ ăn từ 9-17 giờ.
  • Nhịn ăn muộn: Khung giờ ăn từ 14-22 giờ.
  • Nhịn ăn tự chọn: Khung giờ ăn trong khoảng từ 12-20 giờ.

Tất cả những người tham gia cũng được giáo dục dinh dưỡng về chế độ ăn Địa Trung Hải và lối sống lành mạnh.

Ăn trong khung giờ 9-17 giờ giúp kiểm soát tiểu đường hiệu quả và cải thiện đường huyết

Phát hiện mới về khung giờ ăn tốt nhất để phòng tránh bệnh tiểu đường- Ảnh 2.

Ăn xong bữa cuối cùng trong ngày lúc 17 giờ giúp cơ thể có nhiều thời gian hơn để tiêu hóa và xử lý chất dinh dưỡng, điều hòa lượng đường trong máu tốt hơn, do đó làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề về đường huyết

ẢNH MINH HỌA: AI

Kết quả đã phát hiện nhịn ăn gián đoạn - nghĩa là ăn trong khung thời gian 8 tiếng, bất kể thời điểm ăn, đều giúp giảm cân nhiều hơn, trung bình 3-4 kg, so với ăn bình thường - tức khung thời gian ăn ít nhất 12 tiếng. Đặc biệt, ăn xong bữa tối trước 17 giờ là cách an toàn và hiệu quả để giảm mỡ dưới bụng nhiều hơn.

Đáng chú ý, kết quả cho thấy nhóm nhịn ăn sớm - nghĩa là ăn trong khung giờ 9-17 giờ, đã cải thiện đáng kể mức đường huyết lúc đói và đường huyết qua đêm so với các nhóm khác.

Những phát hiện này cho thấy khung giờ ăn 9-17 giờ có thể đặc biệt có lợi trong việc tối ưu hóa quá trình điều hòa đường huyết, có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường và cải thiện sức khỏe trao đổi chất, theo ScitechDaily.

Các nhà nghiên cứu giải thích: Sở dĩ khung giờ ăn này mang lại hiệu quả tốt nhất là do ăn xong bữa cuối cùng trong ngày lúc 17 giờ giúp cơ thể có nhiều thời gian hơn để tiêu hóa và xử lý chất dinh dưỡng, điều hòa lượng đường trong máu tốt hơn, do đó làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề về đường huyết và các rối loạn chuyển hóa khác.

Các nhà nghiên cứu đã kết luận: Nhịn ăn gián đoạn, đặc biệt là ăn trong khung giờ 9-17 giờ, giúp giảm cân và cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách giảm mỡ bụng và điều chỉnh lượng đường trong máu. Phương pháp an toàn này có thể hiệu quả trong việc kiểm soát tình trạng béo phì.

Thừa cân và béo phì có liên quan chặt chẽ đến các rối loạn chuyển hóa như tiểu đường loại 2 và làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp và một số loại ung thư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.