Theo đó, ngủ ít hơn 6 giờ hoặc nhiều hơn 10 giờ đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Đặc biệt, ngủ lâu hơn 10 giờ làm tăng nguy cơ nhiều nhất, theo trang tin sức khỏe Healthline.
Nhằm điều tra mối liên hệ giữa giấc ngủ và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, các nhà khoa học tại Trường Y Đại học CHA ở Seoul (Hàn Quốc) do tiến sĩ Wonjin Kim, Phó giáo sư tại Trường Y Đại học CHA, dẫn đầu, đã kiểm tra dữ liệu từ 8.816 người khỏe mạnh trong một nghiên cứu lớn mang tên Nghiên cứu Dịch tễ học và Bộ gien của Hàn Quốc (KoGES). Đây là dự án liên kết lớn do Viện Y tế Quốc gia Hàn Quốc thực hiện.
Nghiên cứu đã phát hiện điều gì?
Trong nghiên cứu, thời lượng giấc ngủ của những người tham gia được chia thành 4 nhóm: ít hơn 6 giờ, 6-7 giờ, 8-9 giờ và hơn 9 giờ mỗi ngày. Chất lượng giấc ngủ cũng được đo lường ở những người ngủ hơn 9 giờ mỗi ngày.
Những người tham gia được theo dõi trong 14 năm và trong thời gian này, 18% trong số họ mắc bệnh tiểu đường.
Kết quả đã cho thấy ngủ ít hơn 6 giờ hay nhiều hơn 10 giờ mỗi đêm đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, theo tiến sĩ Kim.
Đặc biệt, những người ngủ hơn 10 giờ/đêm có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao nhất, theo Healthline.
Ngoài ra, những người ngủ nhiều hơn cũng có chỉ số glycogen insulin giảm, nghĩa là giảm chức năng bài tiết insulin.
Tiến sĩ Kim giải thích mối liên hệ giữa giấc ngủ và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường có thể tồn tại do cả tình trạng kháng insulin và giảm chức năng bài tiết insulin.
Ông Kim kết luận: Như vậy, thời gian ngủ quá ngắn hoặc quá dài cũng như chất lượng giấc ngủ kém đều có thể là nguy cơ gây ra bệnh tiểu đường.
Cách ngủ ngon để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Chuyên gia giấc ngủ Susan Miller, nhà nghiên cứu về giấc ngủ, làm việc tại New York (Mỹ), cho biết từ nghiên cứu này, bạn có thể thực hiện một số bước để cải thiện giấc ngủ của mình.
Cố gắng đạt được thời gian ngủ tối ưu: Tốt nhất nên cố gắng ngủ khoảng 7-9 giờ mỗi đêm.
Giữ lịch trình ngủ đều đặn: Cố gắng đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày và thức dậy cũng vậy, để duy trì thói quen ngủ nhất quán.
Thực hành các kỹ thuật thư giãn: Thở sâu, thiền, căng duỗi nhẹ hoặc tắm nước ấm trước khi đi ngủ có thể giúp giảm căng thẳng để đi vào giấc ngủ.
Hạn chế chất kích thích và thiết bị điện tử: Tránh rượu, caffein và nicotin gần giờ đi ngủ. Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại và máy tính trước khi đi ngủ.
Có lối sống lành mạnh: Hãy hoạt động thể chất thường xuyên, ăn một chế độ ăn uống cân bằng và kiểm soát căng thẳng một cách hiệu quả.
Bình luận (0)