Phát hiện ngôi sao 'siêu nguội', nhiệt độ chỉ gấp 5 lần tách cà phê nóng

15/07/2023 14:20 GMT+7

Các nhà thiên văn học của Đại học Sydney (Úc) tìm ra một ngôi sao nhỏ và tỏa ánh sáng yếu ớt, được xác định là ngôi sao "nguội nhất" vẫn còn có thể phóng thích sóng vô tuyến.

Phát hiện ngôi sao 'siêu nguội', nhiệt độ chỉ gấp 5 lần tách cà phê nóng - Ảnh 1.

Mô phỏng của họa sĩ về một sao lùn nâu

NASA

Theo báo cáo đăng trên chuyên san The Astrophysical Journal Letters, đối tượng nghiên cứu được đặt tên WISE J0623, thuộc nhóm sao lùn nâu siêu nguội.

Nhiệt độ bề mặt của WISE J0623 vào khoảng 425 độ C, tức cao gấp 5 lần tách cà phê nóng. Dữ liệu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ xác định một tách cà phê nóng vào thời điểm vừa pha xong có nhiệt độ khoảng 85 độ C.

Để so sánh, nhiệt độ bề mặt của mặt trời chúng ta vào khoảng 5.600 độ C.

Sao WISE J0623 cách trái đất khoảng 37 năm ánh sáng. Các nhà thiên văn học của Viện Công nghệ California (Caltech, Mỹ) phát hiện ngôi sao này vào năm 2011.

Bán kính của ngôi sao dao động từ 0,65 đến 0,95 lần so với sao Mộc.

Nghiên cứu sinh Kovi Rose, tác giả chính của báo cáo, nhận xét rất hiếm khi phát hiện những ngôi sao lùn siêu nguội như thế này mà vẫn phát ra sóng vô tuyến. Lý do là cơ chế động lực học của chúng thường không cho phép sản sinh từ trường phóng thích sóng vô tuyến có thể phát hiện được từ trái đất.

Sao lùn nâu có kích thước không đủ lớn để có thể kích hoạt quá trình nhiệt hạch giống những ngôi sao như mặt trời.

"Sao lùn nâu đại khái là một dạng mắt xích bị thiếu giữa những ngôi sao nhỏ nhất vẫn còn có thể đốt cháy hydrogen trong phản ứng nhiệt hạch, và những hành tinh khí khổng lồ như sao Mộc", tác giả Rose cho biết.

Theo ông, khám phá mới sẽ làm sâu sắc hơn kiến thức của nhân loại về những sao lùn nâu siêu nguội, từ đó giúp củng cố sự hiểu biết của con người về lịch sử tiến hóa của các vì sao, bao gồm cách thức chúng tạo ra từ trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.