Phát hiện nguyên tố cần thiết cho sự sống trên vệ tinh của Sao Thổ

15/06/2023 09:52 GMT+7

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện phốt pho, nguyên tố hóa học thiết yếu cho tất cả các quá trình sinh học trên Trái đất, bên trong các tinh thể băng phun ra từ đại dương trên vệ tinh Enceladus của Sao Thổ.

Phát hiện nguyên tố cần thiết cho sự sống trên vệ tinh của Sao Thổ - Ảnh 1.

Bề mặt vệ tinh Enceladus của Sao Thổ

REUTERS

Kết luận được đưa ra dựa trên dữ liệu do tàu vũ trụ Cassini của NASA thu thập. Đây là tàu vũ trụ đầu tiên bay quanh Sao Thổ, thực hiện chuyến thám hiểm mang tính bước ngoặt kéo dài 13 năm (2004-2017) đối với hành tinh khí khổng lồ, các vành đai và vệ tinh của nó, theo Reuters.

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế do Đức dẫn đầu đã đăng tải kết quả nghiên cứu trên tạp chí Nature và Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA, nơi thiết kế và chế tạo tàu thăm dò Cassini, đã công bố phát hiện của nhóm.

Trước đó, nhóm nghiên cứu này đã xác nhận rằng các hạt băng của Enceladus chứa nhiều loại khoáng chất và hợp chất hữu cơ phức tạp, bao gồm các thành phần của axit amin vốn liên quan đến sự sống như các nhà khoa học đã biết.

Song phốt pho, nguyên tố hóa học hiếm nhất trong 6 nguyên tố hóa học được coi là cần thiết cho mọi sinh vật, đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Năm nguyên tố còn lại là carbon, oxy, hydro, nitơ và lưu huỳnh.

"Đây là lần đầu tiên nguyên tố thiết yếu này được phát hiện ở một đại dương bên ngoài Trái đất", tác giả chính của nghiên cứu, Frank Postberg, một nhà khoa học hành tinh tại Đại học Free ở Berlin (Đức), cho biết trong thông cáo báo chí của JPL.

Phốt pho là nền tảng cho cấu trúc của ADN, cũng như là thành phần quan trọng của màng tế bào và các phân tử mang năng lượng tồn tại trong mọi dạng sống trên Trái đất.

Nghiên cứu mới nhất bắt nguồn từ các phép đo đạc do Cassini thực hiện khi nó bay qua các hạt băng giàu muối bị đẩy vào không gian thông qua các mạch nước phun phun trào từ đại dương nằm bên dưới lớp vỏ đóng băng của Enceladus ở cực nam của nó.

Đại dương bên dưới bề mặt mà Cassini phát hiện đã biến Enceladus - có kích thước bằng khoảng 1/7 Mặt trăng và lớn thứ sáu trong số 146 vệ tinh tự nhiên đã biết của Sao Thổ - thành ứng viên sáng giá trong cuộc tìm kiếm những nơi ngoài Trái đất có thể có sự sống.

Một ứng viên khác là Europa, vệ tinh của Sao Mộc, cũng được cho là chứa một đại dương bên dưới bề mặt băng giá của nó.

Một điểm đáng chú ý trong khám phá mới nhất về Enceladus là mô hình địa hóa của các nhà nghiên cứu ở châu Âu và Nhật Bản cho thấy phốt pho tồn tại ở nồng độ ít nhất gấp 100 lần so với nồng độ phốt pho trong các đại dương của Trái đất.

"Thành phần quan trọng này có thể đủ dồi dào để có khả năng hỗ trợ sự sống trong đại dương của Enceladus", đồng điều tra viên Christopher Glein, một nhà khoa học hành tinh tại Viện Nghiên cứu Tây Nam ở Texas (Mỹ), cho biết.

Tuy nhiên, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng sự hiện diện của phốt pho, các hợp chất hữu cơ phức tạp, nước và các khối xây dựng cơ bản khác của sự sống chỉ là bằng chứng cho thấy một nơi như Enceladus có khả năng có sự sống, chứ không phải là nơi sự sống đã tồn tại. Sự sống, dù trong quá khứ hay ở hiện tại, vẫn chưa được xác nhận ở bất kỳ đâu ngoài Trái đất.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.