Phát hiện 'ôxy đen' dưới đáy Thái Bình Dương

23/07/2024 09:27 GMT+7

Trong màn đêm vĩnh cửu của đáy biển Thái Bình Dương, các nhà khoa học phát hiện ôxy đen được tạo ra từ các hạt khoáng sản nhỏ có hình dạng như những quả khoai tây kỳ lạ, một khám phá có thể làm thay đổi suy nghĩ về nguồn gốc sự sống.

Phát hiện 'ôxy đen' dưới đáy Thái Bình Dương- Ảnh 1.

Một sinh vật biển sống ở độ sâu 4.100 m thuộc khu vực Clarion-Clipperton

ABYSSLINE

Lâu nay, giới khoa học cho rằng chỉ có những dạng sinh vật sống như thực vật và tảo biển mới được trời phú cho năng lực tạo ra ôxy thông qua cơ chế quang hợp, tức cần đến ánh sáng mặt trời.

Tuy nhiên, ở độ sâu 4.000 m so với mặt nước biển ở Thái Bình Dương, nơi không có bất kỳ ánh nắng nào có thể chạm đến, những hạt quặng nhỏ lần đầu được phát hiện có khả năng tạo ra cái gọi là ôxy đen.

Khám phá trên được ghi nhận ở khu vực Clarion-Clipperton (CCZ), vùng đồng bằng đáy biển trải dài từ Hawaii (Mỹ) đến Mexico, nơi các công ty mỏ bắt đầu khai thác những hạt quặng nhỏ bí ẩn trên.

Những hạt quặng dạng này thường được gọi là "pin trong đá", rất giàu các kim loại như cobalt, nickel, đồng, mangan, và thường được sử dụng làm pin, điện thoại, tua bin quạt gió và các bảng điện mặt trời.

Một đội ngũ các nhà khoa học quốc tế đã gửi tàu robot cỡ nhỏ đến thềm CCZ nhằm tìm hiểu liệu hoạt động khai khoáng ở đây có gây ảnh hưởng cho cộng đồng sinh vật đang sinh sống ở độ sâu nằm ngoài tầm với của ánh sáng mặt trời hay không.

"Chúng tôi tìm cách đo đạc mức độ hấp thụ ôxy ở thềm biển", AFP hôm 23.7 dẫn lời trưởng nhóm nghiên cứu Andrew Sweetman của Hiệp hội Khoa học Biển Scotland (SAMS).

Thay vào đó, họ lần đầu quan sát được sự tạo ra ôxy đen ở đây, và nguồn của dưỡng khí đến từ các hạt khoáng sản nhỏ.

Giám đốc SAMS Nicholas Owens nhận định đây là một trong khám phá hay ho nhất trong lĩnh vực khoa học biển thời gian qua.

Phát hiện cho thấy ôxy được tạo ra không cần đến quang hợp buộc nhân loại phải suy nghĩ lại nguồn gốc tiến hóa của sự sống phức tạp trên trái đất, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature Geoscience.

"Quan điểm truyền thống là ôxy lần đầu được tạo ra cách đây khoảng 3 tỉ năm nhờ vào những vi khuẩn cổ đại tên cyanobacteria", theo ông Owens. Tuy nhiên, khám phá mới cho thấy sự sống có lẽ bắt đầu ngoài phạm vi đất liền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.